THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:23

Lồng ghép bình đẳng giới trong các văn bản luật

Dự án Lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện và được Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ. đã báo cáo đánh giá thực hiện các quy định về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật của Bộ LĐ-TB&XH giai đoạn 2007-2015. Nhằm rà soát các quy định về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và việc thực hiện các quy định đó trong xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, xã hội của Bộ LĐ-TB&XH. Từ đó, đề xuất các giải pháp để hoàn thiện và thực thi hiệu quả pháp luật về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật lao động, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Bà Lê Thị Ngân Giang, chuyên gia nghiên cứu độc lập thực hiện báo cáo cho biết: Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 100% văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp xây dựng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành khác đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Cơ bản các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới. Tuy nhiên, nhận định về nội dung này, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội lại cho rằng: “Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 100% văn bản quy phạm pháp luật được Bộ thẩm định đều xem xét vấn đề bình đẳng giới, song quá trình thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong một số dự án luật cho thấy, khá nhiều dự án trình Quốc hội chưa có báo cáo lồng ghép giới hoặc chưa đề cập vấn đề này trong Tờ trình của cơ quan soạn thảo. Báo cáo của Chính phủ khẳng định, về cơ bản thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới. Đây là đánh giá mang tính định tính, chưa có số liệu cụ thể và trên thực tế chưa đảm bảo tỷ lệ 100% như kế hoạch đặt ra”.

Ảnh minh hoạ  (nguồn ảnh: Internet).

Từ năm 2007 đến nay, sau khi Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành, Bộ LĐ-TB&XH đã được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo 1 bộ luật, 5 luật và 1 pháp lệnh.

 Nghiên cứu tập trung 1 bộ luật và 4 luật bao gồm: Bộ luật Lao động; Luật Việc làm; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật An toàn vệ sinh lao động. Đây đều là những đạo luật có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính sách, pháp luật  về lao động, việc làm và an sinh xã hội. Việc ban hành các đạo luật này trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII được đánh giá là bước tiến lớn trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật về an sinh xã hội của Việt Nam, có tác động lớn, sâu sắc đến sự phát triển của tiến bộ xã hội. Việc thực hiện quy định lề lồng ghép vấn đề bình đẳng giới  trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Luật Bình đẳng giới năm 2016, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã mang lại một số kết quả nhất định.

Các luật và bộ luật đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới như Điều 6 của Luật Bình đẳng giới đã quy định. Trong báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và một số điều luật của Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động được cụ thể hóa: Người lao động (cả nam và nữ) đều có quyền bình đẳng, bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người theo nguyên tắc tôn trọng quyền được làm việc và lựa chọn việc làm của mình trong điều kiện an toàn; không bị phân biệt đối xử, tôn trọng nguyện vọng và khả năng của mỗi cá nhân tại nơi làm việc được bảo vệ an toàn trong lao động, việc làm; các chính sách bảo vệ và bảo đảm quyền duy trì nói giống của người lao động (cả nam và nữ) phải được thực hiện đầy đủ và không phải là phân biệt đối xử. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong an toàn lao động không bị coi là phân biệt đối xử; Lồng ghép giới trong tất cả các hoạt động, trong các nhóm vấn đề, ở tất cả các cấp quản lý và doanh nghiệp về an toàn, vệ sinh lao động; trách nhiệm thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới trong công tác an toàn vệ sinh lao động là của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, của người sử dụng lao động, của người lao động và các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan...     

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh