CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:20

Long An: Trên 70% lao động có việc làm sau khi học nghề

Tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà. 

Tỷ lệ lao động có việc làm ổn đạt trên 70%. Qua sơ kết 5 đào tạo nghề cho LĐNT PV Báo Lao động và Xã hội có cuộc phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Bon, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, qua sơ kết 5 năm về đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh đã gặt hái được những thành tựu gì?  Những mô hình nào đem lại hiệu quả nhất?

Ông Nguyễn Văn Bon: - Thực hiện đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn vừa qua đã gặt hái nhiều thành tựu đáng khích lệ. Giúp cho người lao động dễ dàng tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương. 

Giai đoạn 2010 – 2014 tỉnh đã đào tạo nghề LĐNT cho 38.300 lao động với trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề hàng năm đạt trên 70%. Trong 5 năm (2010-2014) tỉnh đầu tư 13 cơ sở dạy nghề đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Ông Nguyễn Văn Bon Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An

Ông Nguyễn Văn Bon Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An

Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 264 người (217 giáo viên và 47 người dạy nghề) tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao cho học viên sau ra trường luôn được triển khai và nhân rộng. Cụ thể nghề phi nông nghiệp triển khai mô hình điển hình như: May công nghiệp; mô hình đan giỏ nhựa; học hàn, điện, sửa chữa thiết bị may...

Nghề nông nghiệp có các mô hình dạy nghề điển hình hiệu quả ở địa phương như: Kỹ thuật trồng thanh long ở huyện Châu Thành; kỹ thuật trồng bắp, trồng mè ở Đức Hòa; kỹ thuật trồng chanh ở Bến Lức; kỹ thuật trồng nấm rơm ở Kiến Tường, Đức Huệ; kỹ thuật trồng hoa lan ở Tân An...

* Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn gặp những vướng mắc gì? Thưa ông !

- Đề án 1956 ra đời, đã thu hút một lượng lớn người lao động tham gia học nghề góp phần lớn  trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Mức hỗ trợ tiền ăn cho lao động nông thôn thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác 15.000 đồng/người/ngày thực học là thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay nên việc thu hút đối tượng này tham gia học nghề còn hạn chế.

Các địa phương khó xác định lao động nông thôn thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo để thực hiện chính sách hỗ trợ.

Vì cấp xã chỉ nắm được lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo.Theo quy định tại quyết định số 1956/QĐ-TTg trường hợp lao động nông thôn đã được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND tỉnh xem xét, quyết định tiếp tục cho hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề, quy trình đề nghị như trên rất phức tạp, khó khăn đối với người lao động.

Còn số lượng lớn cán bộ, công chức xã đã lớn tuổi, chưa tốt nghiệp Trung học phổ thông nên việc cử đi đào tạo chuẩn hóa gặp nhiều khó khăn, nhất là các chức danh như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân; Mặt trận Tổ quốc...

Kinh phí phân bổ cho Sở Nội vụ để thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg chỉ dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở xã, còn cán bộ, công chức ở thị trấn, phường thì không thuộc đối tượng áp dụng. Điều này gây khó khăn trong việc mở lớp đào tạo cho cán bộ, công chức.

* Xin ông cho biết những giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc ấy trong giai đoạn sắp tới như thế nào?

- Qua quá trình thực hiện, tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp công tác đào tạo nghề cho LĐNT đem lại hiệu quả  tốt nhất. Cụ thể tỉnh tập trung  chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể, các cơ sở dạy nghề trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động của Đề án được triển khai nhanh, hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề việc làm phải đi trước một bước; nhất là cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Chỉ khi nào người dân hiểu rõ tầm quan trọng của dạy nghề là mục tiêu để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình thì họ mới tích cực tham gia học nghề.

Để công tác dạy nghề nói chung và công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách Đề án 1956 đạt được hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh trong thời gian tới, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH: Ban hành cơ chế, chính sách về dạy nghề tại doanh nghiệp và cơ chế chính sách liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trong đào tạo nghề.

Hướng dẫn việc sáp nhập các trung tâm trên địa bàn huyện thành một trung tâm chung do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý, có các chức năng dạy nghề, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm. Điều chỉnh tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho lao động nông thôn thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác khi tham gia học nghề cho phù hợp với mặt bằng giá cả hiện nay. 

Thay đổi quy định về đối tượng lao động nông thôn thuộc diện “hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo” thành lao động nông thôn thuộc diện “hộ cận nghèo” cho phù hợp với quy định về chuẩn nghèo mới. Cho chủ trương sử dụng kinh phí đào tạo cán bộ, công chức cấp xã để đào tạo cán bộ, công chức cấp xã nói chung (bao gồm cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn).

* Trân trọng cảm ơn ông !

Ngọc Tánh (Thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh