Sóc Trăng: Hiệu quả từ chính sách giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động
- Bài thuốc hay
- 21:52 - 14/04/2015
Đây cũng là mục tiêu hướng tới giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Sóc Trăng. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng, năm 2014, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 23.500 lao động đạt 102,42% chỉ tiêu, tăng 2% so với năm trước. Trong đó có 345 người xuất khẩu lao động. Đào tạo nghề cho 27.455 người đạt 109,82% chỉ tiêu trong đó, có 9.240 lao động nông thôn.
Các địa phương, đơn vị cũng chú trọng việc khảo sát nhu cầu học nghề, từ đó lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với từng vùng và từng đối tượng, đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ nên tỉ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề đạt trên 70%.
Ông Lâm Thanh Phong, Giám đốc Sở LĐ-T&XH Sóc Trăng cho biết: “Để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, ngành LĐ-TB&XH đã triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.
Bên cạnh việc mở rộng mối liên kết, tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín có những đơn hàng tốt và có những chính sách ưu đãi đối với người lao động, tỉnh còn tìm nguồn hỗ trợ về vốn vay để người lao động có điều kiện xuất khẩu lao động, người lao động muốn xuất khẩu lao động nhưng gặp khó khăn về vấn đề nguồn vốn. Qua đó nhằm giải quyết khó khăn về vấn đề vốn vay của địa phương”.
Ngoài việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên luôn tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên có nhu cầu về vốn vay phát triển kinh tế được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Mở những lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật hướng dẫn đoàn viên, hội viên cách sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả.
Đối với người lao động muốn xuất khẩu lao động, tỉnh luôn cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài (như số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt, quyền lợi trách nhiệm của người lao động, các khoản chi phí phải nộp, các khoản chi phí được hỗ trợ cụ thể theo từng đối tượng...) để người lao động hiểu đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia xuất khẩu lao động.
Ảnh trong bài: Tư vấn học nghề tại Trung tâm GTVL Sóc Trăng.
Tại Sóc Trăng chưa có doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động. chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp ở địa phượng khác đến tuyển, vì vậy địa phương luôn bị động trong công tác xuất khẩu lao động. Trong đó, nguồn vốn vay cho xuất khẩu lao động chỉ tập trung cho một số đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng còn lại có nhu câu tham gia xuất khẩu lao động nhưng không được vay vốn để đi.
Chính vì vậy công tác xuất khẩu lao động của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ từ trung ương về hỗ trợ chi phí học bổ túc tay nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác xuất khẩu lao động. Đồng thời, đào tạo hướng nghiệp cho số lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, đặc biệt chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên....
Tạo điều kiện cho các đối tượng (ngoài đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách) được vay vốn tham gia xuất khẩu lao động. Nhằm tạo động lực để các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững của tỉnh nhà trong những năm tiếp theo.