Long An thực hiện thành công các lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH năm 2018
- Dược liệu
- 14:28 - 03/02/2019
Những con số ấn tượng của năm 2018
Năm 2018, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực lao động, người có công, xã hội và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành LĐTBXH Long An đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, đạt được một số kết quả, các chỉ tiêu về lao động - việc làm, chăm sóc trẻ em, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đều đạt, vượt kế hoạch.
Để đạt được kết quả trên, Ngành đã tập trung lãnh đạo trong việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu; các hoạt động phối hợp liên ngành được duy trì và đạt hiệu quả thiết thực; nhiều nội dung về dạy nghề, các lĩnh vực xã hội và thực hiện công tác người có công từng bước được xã hội hoá cao và có sự tiến bộ rõ rệt; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời trên các lĩnh vực của Ngành; giải quyết tốt các vấn đề phát sinh.
Theo ông Võ Thành Trí – PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An: Năm 2018, tỉnh đã giải quyết việc làm 32.929 lao động, đạt 109,76% kế hoạch (tăng 2,66% so cùng kỳ); trong đó xuất khẩu lao động 156 người. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị 3,2% (giảm 0,3% so cùng kỳ).
Công tác Dạy nghề cũng gặt hái nhiều thành công, cụ thể, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo 22.603 lao động , đạt 104,55% kế hoạch (tăng 5,38% so cùng kỳ); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,56% (đạt 100,84% kế hoạch), qua đào tạo nghề đạt 48,28% (đạt 100,58% kế hoạch). Hoàn thiện kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Lãnh đạo tỉnh trao tặng danh hiệu "Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng" cho Mẹ Lê Thị Phinh (huyện Đức Huệ)
Trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức Hội thảo “nhà nước, cơ sở GDNN và doanh nghiệp cùng hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo”; ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2018-2020. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Xây dựng kế hoạch và lấy ý kiến các cơ quan liên quan kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.
Đền ơn đáp nghĩa, nâng cao mọi mặt đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, Long An luôn triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và rất hiệu quả công tác này. Năm 2018, tỉnh đã tuyên dương danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 101 Mẹ (có 01 Mẹ còn sống), nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh 5.229 Mẹ. Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ bàn giao, đón nhận, truy điệu, an táng 25 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia giai đoạn XVII (2017-2018).
Trình UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo đề cương tập sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Long An (giai đoạn 2001-2015)”. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ đối tượng người có công thoát nghèo. Phối hợp với các đơn vị liên quan họp bàn trình UBND tỉnh trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hưu trí mất sức và các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động trong các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Từ đầu năm đến nay, vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 8,4 tỷ đồng/chỉ tiêu 3 tỷ đồng, đạt 279,92% kế hoạch; hỗ trợ xây dựng nhà ở người có công 318 căn, kinh phí 15,6 tỷ đồng; sửa chữa 565 căn, kinh phí 16,6 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 9.108 hộ nghèo, chiếm 2,22% (giảm 0,7% so cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra), hộ cận nghèo 13.998 hộ/410.318 hộ, chiếm 3,41% (giảm 0,28% so cùng kỳ). Tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo năm 2018 tại các địa phương.
Tiếp tục tạo nhiều đột phá trong năm 2019
Ông Võ Thành Trí cho biết, năm 2019, là năm thứ tư thực hiện nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020; căn cứ chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh và Bộ LĐTBXH giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế xã hội của tỉnh. Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tạo nhiều đột phá trong các lĩnh vực như: Phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%, trong đó qua đào tạo nghề 51%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,3% - 0,5%; Hạ tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 3%. Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 3 tỷ đồng; tham gia hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức. Duy trì và nâng cao chất lượng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, năm 2019, Ngành LĐ-TB&XH đề ra cho mình các giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực như: Tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tạo thuận lợi trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch lao động, phân bổ hợp lý lao động.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH trao quà tết cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm gắn với thị trường lao động; chú trọng giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm; làm tốt công tác tạo nguồn, nhất là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài. Quản lý chặt chẽ, hiệu quả công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam.
Triển khai kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; củng cố, nâng cao năng lực hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sau khi sáp nhập theo Đề án 02 của Tỉnh ủy, đẩy mạnh thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo lộ trình; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; xây dựng chuẩn đầu ra các trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và khung trình độ quốc gia.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; giải quyết hồ sơ còn tồn đọng về việc công nhận, xác nhận người có công. Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ người có công. Mở rộng chi trả chính sách người có công thông qua bưu điện. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại các huyện nghèo được tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt...).
Tiếp tục thực hiện hiệu quả CTMTQG giảm nghèo bền vững; trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, thường xuyên bị thiên tai để đảm bảo giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đảm bảo triển khai thực hiện tốt quyền trẻ em; triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.