Long An: Hoàn thành xuất sắc các mục tiêu ngành LĐ-TB&XH năm 2017
- Dược liệu
- 14:34 - 12/02/2018
Ông Phạm Văn Bốn, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An cho biết: Ngành đã tập trung lãnh đạo trong việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu đề ra; các hoạt động phối hợp liên ngành được duy trì và đạt hiệu quả thiết thực. Các lĩnh vực về dạy nghề, xã hội và thực hiện công tác người có công từng bước được xã hội hoá cao và có sự tiến bộ rõ rệt.
Trong năm đã giải quyết việc làm cho 32.850 lao động, đạt 109,5% kế hoạch (tăng 2,66% so với cùng kỳ), trong đó giới thiệu đưa đi xuất khẩu lao động nước ngoài được 179 người; giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,5%. Tuyển sinh 21.450/20.840 lao động , đạt 102,93% kế hoạch (tăng 0,15% so với cùng kỳ 2016), đào tạo nghề cho 5.500 lao động nông thôn. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,68% (vượt 0,68% kế hoạch, vượt 2,82% so với cùng kỳ, qua đào tạo nghề đạt 45,46%, vượt 0,46% kế hoạch, vượt 3,03% so với cùng kỳ).
Tập trung giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng người có công. Phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tổ chức Lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 455 Mẹ; trong đó có 14 mẹ còn sống và 441 mẹ từ trần; nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh lên 5.128 Mẹ. Kiểm tra, lập danh sách gửi Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ cấp lại 1.181 Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng lãnh đạo tỉnh trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Mậu Tuất 2018
Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 14 gia đình liệt sĩ (hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh). Phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tham mưu UBND tỉnh tiếp đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước thăm, tặng 100 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa.
Cuối năm 2017, qua rà soát hộ nghèo, cận nghèo, toàn tỉnh có 11.852 hộ nghèo, tỷ lệ 2,92% (giảm 0,65% so với cuối năm 2016, vượt kế hoạch đề ra), 14.969 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,69%.
Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em tại huyện Vĩnh Hưng với chủ đề “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” ; Hội thi tuyên truyền Luật Trẻ em và những chính sách liên quan đến trẻ em cho lực lượng cộng tác viên Dân số, Gia đình và Trẻ em ở cơ sở; tổ chức 50 buổi nói chuyện chuyên đề về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho 2.500 học sinh Trường Trung học cơ sở.
Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở 05 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở 05 huyện (thị xã Kiến Tường, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thạnh Hoá, Thủ Thừa); triển khai mô hình "Ngôi nhà an toàn cho trẻ em" phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em ở 2 xã điểm có 452/1.432 ngôi nhà đạt ngôi nhà an toàn cho trẻ em; tổ chức các đoàn thăm, tặng 4.500 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Tết Trung thu. Cấp 145.450 thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi đạt tỷ lệ 98,95%; có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phù hợp với trẻ em.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của năm 2017, năm 2018 ngành LĐ-TB&XH phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra như: Giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động. Tuyển sinh đào tạo 21.600 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó lao động qua đào tạo nghề 48%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,3%. Hạ tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 3,4%.
Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 3 tỷ đồng; tham gia hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức. Duy trì và nâng cao chất lượng 100% xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Ông Phạm Văn Bốn cho biết thêm: Trong thời gian tới, Long An tiếp tục thực hiện chính sách việc làm thông qua các dự án, sử dụng vốn ngân sách nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm; tạo thuận lợi cho tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp và cơ hội tiếp cận thị trường của người lao động.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, phù hợp với yêu cầu hội nhập của tỉnh
Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; thực hiện cơ chế đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Huy động xã hội hóa để tăng nguồn lực đầu tư công tác giáo dục nghề nghiệp.
Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số người làm việc và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Phối hợp đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp. Phối hợp đẩy mạnh công tác phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề.
Ông Phạm Văn Bốn - GĐ Sở LĐ-TB&XH tặng cờ thi đua cho huyện có thành tích xuất sắc trong công tác LĐ-TB&XH
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện chính sách. Tập trung xử lý các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công.
Triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, tập trung nguồn lực trước hết thực hiện ở những nơi khó khăn, nhiều hộ nghèo để giảm nghèo bền vững; tổng kết các mô hình giảm nghèo, an sinh xã hội đang thực hiện có hiệu quả ở địa phương