Long An cần hỗ trợ kịp thời cho công nhân ở các khu nhà trọ, đảm bảo an sinh xã hội
- Dược liệu
- 18:45 - 08/10/2021
Ngày 8/10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ ở phía Nam, cùng đoàn công tác đã đến làm việc tại tỉnh Long An để kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Báo cáo với Tổ công tác, bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Long An cho biết, đến nay toàn tỉnh có trên 13.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với 320.000 lao động. 1.300 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau giãn cách với 99.000 lao động.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp khó khăn về hoạt động sản xuất, chi phí tăng khiến đời sống người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Hơn 3.000 lao động từ Long An đã về các tỉnh, thành và Long An đã đón 2.000 lao động từ các tỉnh về địa bàn. Người lao động chủ yếu làm trong các ngành thuộc lĩnh vực may mặc, giày da và một số ngành nghề khác sử dụng nhiều lao động phổ thông”, bà Mai thông tin.
Cũng theo bà Mai, dự kiến đến hết tháng 10/2021 số lao động hoạt động trở lại khoảng 30% (trên 100.000 lao động); đến hết tháng 11/2021 số lao động hoạt động trở lại 50% (khoảng 170.000- 180.000 lao động); đến hết tháng 12/2021 số lao động hoạt động trở lại 70% (khoảng 250.000 - 260.000 lao động). Như vậy, từ nay đến cuối năm, không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Dự kiến, năm 2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại 100%.
Về việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23 Thủ tướng Chính phủ cũng luôn được tỉnh triển khai đồng bộ. Hơn 435.000 người đã được nhận hỗ trợ với kinh phí 357 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ trực tiếp cho 137.000 người với số tiền 245 tỷ đồng.
Cụ thể, hơn 5.000 đơn vị với 296.000 lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 104 tỷ đồng. 482 lao động được hỗ trợ chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Hỗ trợ gần 9.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền 35 tỷ đồng. Hỗ trợ 1.813 trẻ em trong các khu cách ly tập trung số tiền 1,8 tỷ đồng.
“Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH và Sở Tài chính đang trình UBND tỉnh hỗ trợ cho 12.227 lao động (trong đó: người lao động đang mang thai 215 người, người lao động nuôi con dưới 6 tuổi 2573 người), với số tiền 50.156.520.000 đồng", bà Mai thông tin thêm.
Đến nay, Long An đã hỗ trợ 78.000 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) với số tiền 137 tỷ đồng; 12.800 người bán vé số với số tiền 25 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, tỉnh đã thưc hiện hỗ trợ cho 5.508 hộ nghèo toàn tỉnh, 153.566 công nhân trong và ngoài tỉnh Long An đang ở trọ tại các khu nhà trọ trong tỉnh với tổng kinh phí trên 235 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LD- TB&XH tại TP.HCM kiến nghị: Long An cần đẩy nhanh hơn nữa việc hỗ trợ lao động ngưng việc, nghỉ việc không hưởng lương. Tiếp tục tập trung hỗ trợ 78.000 lao động tự do để có thể sớm trở lại thị trường lao động. Cùng với đó, cần có những chính sách hỗ trợ an sinh, tiền phòng trọ... cho số lao động có giao kết hợp đồng lao động đang chờ đi làm trở lại.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhận định: Long An chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng đã sớm có những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo an sinh cho người dân trong thời gian giãn cách.
Việc triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính Phủ, Thứ trưởng đánh giá Long An đã chủ động hỗ trợ rất sớm. Việc rà soát các đối tượng hỗ trợ được triển nhanh, phân cấp cho các địa phương để đồng loạt hỗ trợ kịp thời.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, Long An cần tập trung hơn nữa việc đảm bảo an sinh cho nhóm lao động tự do dịch chuyển từ TP.HCM và các tỉnh, thành về địa phương. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh đào tạo lại người lao động cho các doanh nghiệp để đảm bảo nguồn nhân lực sau dịch Covid-19.
"Trong thời gian tới, Long An cần tiếp tục tập trung công tác phòng chống dịch; hoàn tất các chính sách an sinh xã hội sớm; tuyên truyền hỗ trợ doanh nghiệp trở lại sản xuất để giữ chân, ổn định tâm lý người lao động; lên phương án đón lao động trở lại", Thứ trưởng đề nghị.
Tiếp thu ý kiến của đoàn công tác, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Tấn Hoà trân trọng cám ơn những hướng dẫn của Thứ trưởng và thành viên Tổ công tác đặc biệt. Đồng thời vị Phó Chủ tịch khẳng định: "Tỉnh Long An sẽ đẩy nhanh thực hiện giải pháp để các gói chính sách hỗ trợ đến tay người dân trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là lao động tự do trên địa bàn tỉnh".
Theo số liệu thống kê toàn tỉnh có 3.533 trẻ em F0; 4.004 trẻ em F1; 83 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ chết do Covid-19; 2 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; 1 trẻ mồ côi cả cha và mẹ ở với bà sau đó bà mất do Covid-19. Những trẻ em bị F0 và mồ côi luôn được quan tâm và hỗ trợ về nhu yếu phẩm và kinh phí để đảm bảo đời sống.
Hiện nay, Long An đã hỗ trợ 12 trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền hơn 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em đề xuất nguồn vận động để kịp thời hỗ trợ cho 32 trẻ em là F0, F1 và trẻ em mồ côi với tổng số tiền hơn 43 triệu đồng.