CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:31

"Lời ru buồn" của ông ngoại tuổi…U30

16 tuổi 2 con, chưa 40 đã lên ông lên bà

Chúng tôi tìm đến nhà Vũ Thị Dung (SN 2001, thôn Tân Lập, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) khi em vừa sinh con cách đây tròn một tháng. Hôm nay gia đình chồng lên nương từ sáng sớm nên chỉ có mình Dung ở nhà. Căn phòng nơi người mẹ trẻ đang nằm cữ chỉ đủ kê chiếc giường và một cái tủ đứng, ánh sáng lách qua những khe hở đủ để khách nhìn rõ khuôn mặt cô gái Mông.

Một tháng trước, Dung sinh con trai đầu lòng khi chưa tròn 16 tuổi

Người mẹ trẻ ôm con ngồi thu mình trong một góc nhỏ khi thấy có người lạ đến thăm. Phải nhờ đến lời giới thiệu của trưởng thôn Sùng Seo Nhè, Dung mới cởi mở trò chuyện với chúng tôi. Cô kể, năm ngoái đi chơi hội xuân thì gặp Giàng A Ngài (SN 1999, người cùng thôn). Cả tuần đó, hai người dắt nhau đi chơi từ sáng đến tận tối muộn mới trở về nhà. Rồi ngày hội kết thúc cũng là ngày nhà Ngài mang lễ sang nhà Dung hỏi cưới cô.

Lấy nhau được một năm thì vợ chồng Dung sinh con trai đầu lòng. Anh Vũ Ngọc Thắng (bố đẻ Dung) cũng lên chức ông ngoại.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nằm ở cuối thôn Tân Lập, ông ngoại sinh năm 1983 này cho biết: “Quê mình ở Hà Giang, năm 15 tuổi đã cưới vợ sinh con. Dung là con đầu nên chỉ đi học một vài năm rồi theo mẹ lên nương lên rẫy, đến khi có người đến hỏi cưới thì gả nó về nhà chồng”.

Đang học lớp 6, Vàng Thị Sảu (SN 2000, thôn 3, xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long) cũng được ông Lý Văn Sửu (người cùng thôn) đến nhà xin cô về “làm bạn” với con trai của mình. Lễ ăn hỏi diễn ra ngay sau đó ít hôm. Sảu phải nghỉ học để về nhà chồng. Sau 2 năm, vợ chồng Sảu đã có với nhau hai mặt con, nhưng ở tuổi cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên vừa chăm con, lo bếp núc cho nhà chồng, Sảu vẫn dành thời gian chơi đùa với đám bạn trong thôn.

Chưa đến 40 tuổi, nhưng nhiều người đã lên chức ông bà

Hai năm làm “bà mẹ nhí”, Sảu trầm tính hơn, trên khuôn mặt hiện rõ vẻ đượm buồn nhưng lời nói vẫn hồn nhiên, e thẹn đúng như lứa tuổi của mình. Sảu tâm sự: “Ngày đầu làm mẹ em còn bỡ ngỡ, vụng về lắm nên hai vợ chồng nhiều lúc to tiếng với nhau. Nhưng đến đứa thứ 2 thì em tự lo liệu được, không phải nhờ mẹ chồng nữa”.

Khi được hỏi tại sao lại nghỉ học lấy chồng, Sảu đưa mắt nhìn ra đám trẻ đang nô đùa ngoài sân, giọng ngập ngừng: “Bố mẹ bảo ở nhà lấy chồng thì lấy thôi, mấy bạn trong thôn bằng tuổi em cũng có chồng hết rồi. Người Mông chúng em bảo, con gái 15 tuổi mà không lấy chồng thì coi như là ế”.

Phép vua thua lệ làng?

Theo Ban Dân tộc tỉnh, mỗi năm đơn vị này thống kê được hàng trăm trường hợp tảo hôn. Chỉ riêng huyện Đắk G’Long và huyện Tuy Đức, trong năm 2016, có đến hơn 100 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều bởi phần lớn các gia đình tổ chức cho con cái mình kết hôn mà không thông báo với chính quyền địa phương.

Trưởng Ban Dân tộc Hà Thị Hạnh chia sẻ, đặc điểm của tỉnh Đắk Nông dân cư phân bố rải rác, đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở khu vực đồi núi, đi lại khó khăn nên cán bộ dân số, dân tộc khó tiếp cận. Ngoài đồng bào bản địa thì những năm gần đây đồng bào dân tộc phía Bắc di cư vào Đắk Nông sinh sống, lập nghiệp vẫn duy trì tập tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Công tác tuyên truyền về tảo hôn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí (trong ảnh, cán bộ dân số xã Đắk Ngo đang đi tuyên tuyền với người dân)

“Người Mông, Tày, Nùng thường kết hôn rất sớm, nhiều em chỉ 13, 14 tuổi đã lập gia đình. Riêng đồng bào Mông, với hơn 30000 người, phân bố ở hầu hết các huyện của tỉnh, việc kiểm soát vấn đề tảo hôn không hề đơn giản”, bà Hạnh cho hay.

Một cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông cũng chia sẻ, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết chính quyền rất khó kiểm soát, can thiệp. “Phần lớn các đôi trai gái tự về ở với nhau mà không đăng ký kết hôn tại phòng tư pháp. Vì là tập tục, bố mẹ không ngăn cản, nên chính quyền chỉ biết vận động tuyên truyền chứ không làm được gì ”.

Thầy Nguyễn Sĩ Vương, Hiệu trưởng Trường THCS Đắk Năng (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long) cho biết: “Những năm qua vẫn có hiện tượng học sinh nghỉ học ở nhà kết hôn, chủ yếu là các em khối 9 (14- 15 tuổi). Để khắc phục tình trạng học sinh nghỉ học, kết hôn sớm, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến cho các em. Hầu hết kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản được lồng ghép trong các tiết chào cờ nên tình trạng tảo hôn của học sinh trong trường giảm đáng kể”.

Trước thực trạng này, Trưởng ban Dân tộc Hà Thị Hạnh khẳng định: “Hiện tại Ban Dân tộc kết hợp với chính quyền của hơn 70 xã trong tỉnh rà soát các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên do Ủy ban Dân tộc không xếp Đắk Nông vào danh sách các địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ, vì vậy công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh