Hà Nội “hiếm” vườn hoa, sân chơi: Lỗi do quản lý và quy hoạch
- Văn hóa - Giải trí
- 18:51 - 11/05/2015
*Diện tích vườn hoa, sân chơi chỉ chiếm…2%
Đô thị Hà Nội ngày càng hiện đại, nhưng việc dành đất để xây dựng các không gian công cộng, làm nơi vui chơi giải trí cho cộng đồng dân cư, lại chưa được quan tâm đúng mức.
Theo bà Lã Kim Ngân, Viện trưởng Viện Kiến trúc(Hội Kiến trúc sư Việt Nam), hiện nay tình trạng “đất ngon” được “ưu tiên” làm chung cư, xây trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, các dự án bất động sản phát triển theo kiểu “xôi đỗ”, không có sự tương thích và liên kết với vườn hoa, sân chơi khiến không gian công cộng ở Hà Nội ngày càng teo tóp. Hiện, không gian vườn hoa, sân chơi hiện có ở các khu dân cư như Kim Liên, Trung Tự, Nghĩa Tân, Thành Công… đang bị phá hủy, lấn chiếm cho các mục đích thương mại như bán hàng, đỗ xe, chứa vật liệu xây dựng, trông giữ xe đạp, xe máy, chợ cóc…
Còn các khu đô thị mới như: Mỹ Đình, Trung Hòa -Nhân Chính… cũng bị cắt giảm vườn hoa, công viên, sân bãi thể dục thể thao để tăng mật độ xây dựng, chỉ còn những không gian để đi lại nhỏ hẹp, chứ không phải là vườn hoa, sân chơi đúng nghĩa.
Theo kết quả thông kê vừa được công bố, diện tích dành cho sân chơi, vườn hoa trung bình ở nội thành Hà Nội chỉ chiếm 2% tổng diện tích đất, tương đương mỗi người dân chỉ có 2,08m2 vườn hoa, sân chơi. Một số phường, 17.000 người dân mới có được 30m2 diện tích vui chơi. Nhiều sân chơi bố trí gần nơi tập kết rác thải, gây ô nhiễm.
Cá biệt trên địa bàn quận Thanh Xuân nhiều khu dân cư không có vườn hoa, sân chơi. Kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng chỉ ra: “ Nhiều bất cập trong qui hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ, phát triển cơ sở văn hóa, vui chơi cho trẻ em trên địa bàn Hà Nội”.
Không giấu nổi vẻ ngạc nhiên trước cảnh người già, trẻ em đều thiếu không gian sinh hoạt, vui chơi giải trí, KTS Nguyễn Nga (Việt kiều Pháp) nhận định, chính điều này đã đẩy trẻ em vào các quán game online, lang thang trên đường phố hoặc bị “nhốt” trong nhà, xa lánh dần các hoạt động giao lưu cộng đồng. Người cao tuổi, thanh thiếu niên không có không gian thư giãn, tái tạo sức lao động và tăng cường thể lực.
Khu vui chơi chật hẹp và trẻ em đá bóng trên hè phố ở Hà Nội.
*Đến lúc giành lại đất lấn chiếm?
Để cải thiện tình trạng thiếu và kém chất lượng các không gian công cộng, theo bà Lã Kim Ngân, đã đến lúc cần giành lại các quỹ đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích trong nội thành, cho các không gian vườn hoa, sân chơi. Đối với các quỹ đất trống, đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng của các cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời, không phù hợp chức năng như bãi xe, bến xe, cơ sở công nghiệp, y tế gây ô nhiễm… cần ưu tiên dành cho các không gian công cộng.
Hoặc, cũng có thể tận dụng một số đường phố vắng phương tiện giao thông các buổi cuối tuần, các chợ xanh không hoạt động vào buổi chiều, các sân trường học vào cuối ngày hoặc các ngày nghỉ, ngày hè… sử dụng để tổ chức các hoạt động vui chơi và giao lưu công cộng.
“Khu tập thể nhà tôi có một sân chơi rộng nhưng dùng làm nơi bán phở của một gia đình. Nếu sân này mà thu hồi lại hàng sáng, người lớn có thể tập thể dục và chiều tối trẻ em được vui chơi thoải mái, không phải chúi mũi vào tivi hay trò chơi điện tử nữa”- anh Hải (phường Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ.
Các chuyên gia và những người tâm huyết với việc bảo vệ và phát triển vườn hoa, sân chơi khu dân cư cũng cho rằng, khi nguồn lực cho việc phát triển vườn hoa, sân chơi khu dân cư còn hạn chế, thì TP.Hà Nội cần có những cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và quản lý vườn hoa, sân chơi, đặc biệt là các sáng kiến xây dựng sân chơi sáng tạo, giá rẻ với sự tham gia của cộng động.
“Yếu tố then chốt là lãnh đạo thành phố nhận thức được tầm quan trọng của không gian công cộng đối với kinh tế và sinh thái đô thị. Còn với giới kinh doanh bất động sản, với họ, không gian công cộng không đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho hàng hóa của họ”- ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Liêm, UBND TP. Hà Nội cũng cần rà soát lại quy hoạch công viên vườn hoa hiện hành để điều chỉnh chức năng, phân khu tạo điều kiện tăng diện tích cây xanh dành cho chức năng thể dục thể thao, nghỉ ngơi cho người già và khu hoạt động cho thanh thiếu nhi. /.