Lời cảnh tỉnh cho ngành Giáo dục
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:59 - 13/06/2019
Nếu so với “thành tích khả quan” mà phần lớn học sinh ở TP.HCM đạt được trong hai học kỳ năm cuối bậc THCS – đại đa số là Học sinh Giỏi hoặc Học sinh Tiên tiến, thì kết quả thi tuyển sinh vào THPT đang chỉ ra điều ngược lại: Chất lượng học sinh không chỉ không đều mà còn không cao như người ta vẫn tưởng!
Sở GD&ĐT TP.HCM họp báo công bố kết quả thi tuyển sinh vào THPT công lập năm học 2018-2019 với kết quả điểm thi Toán và Anh văn có tỷ lệ dưới trung bình cao bất ngờ
Đáng nói hơn, hai môn Toán và Anh văn vốn là những môn thế mạnh nổi trội của học sinh thành phố trong nhiều năm qua, khi phần lớn học sinh được đầu tư để có điều kiện học tốt hai môn này hơn so với học sinh ở nhiều tỉnh, thành khác, thì đến giờ lại bộc lộ những điểm yếu “chí tử”. Chỉ cần đề thi “lệch tủ”, hoặc có một vài “yếu tố khác lạ”, không giống với những đề “truyền thống”, thì lập tức có tới phân nửa số thí sinh cảm thấy lúng túng, không biết phải xử trí như thế nào, khiến điểm thi rớt xuống mức dưới trung bình.
Đánh giá về đề thi, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: ở môn văn đề thi mang tính thực tế, gần gũi, không khuôn mẫu. Ở môn toán đề thi hay, chính xác, tính phân loại cao. Ở môn tiếng Anh, đề thi bao quát, bám sát chương trình. Như vậy, điểm thi thấp không phải do đề khó, mà là do chất lượng dạy – học trong suốt cả một quá trình. Vì thế, kết quả này là lời cảnh báo cho các giáo viên trong quá trình dạy học phải bám sát chương trình.
Thực tế cho thấy, không phải chỉ số ít, mà ở rất nhiều trường, rất nhiều giáo viên đã không bám sát chương trình để dạy, mặc dù số tiết học dành cho các môn “chính” này luôn rất nhiều – vượt trội so với các môn bị coi là “phụ”.
Từ kết quả kỳ thi vừa qua, nhiều vấn đề bức thiết được đặt ra đối với ngành giáo dục TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung
Có một giả thiết được đặt ra, đó là phần lớn giáo viên đã không đảm bảo chất lượng trong các tiết dạy của mình, nhất là hạn chế về kỹ năng, phương pháp giảng dạy, khiến học sinh không thể nắm bắt các bài giảng một cách toàn diện, có hệ thống; thậm chí nhiều em không hiểu bài, không nắm bắt được những kiến thức cơ bản.
Tuy nhiên, cũng có không ít giáo viên cho rằng mặc dù họ đã rất cố gắng để “bao” chương trình, nhưng do nội dung chương trình quá nhiều, khối lượng kiến thức quá nặng, nên “lực bất tòng tâm”. Thậm chí còn có một số giáo viên khẳng định, phần lớn những thí sinh đạt điểm cao chủ yếu nhờ… học thêm.
Hãy tạm coi kết quả thi tuyển sinh vào THPT công lập phản ánh trung thực chất lượng dạy – học trong hệ thống các trường THCS ở TP.HCM thời gian qua, thì đúng là mọi chuyện đang dịch chuyển theo hướng đáng lo ngại. Việc nhiều trường nhóm giữa buộc phải hạ thấp điểm chuẩn so với các năm trước chỉ là một hệ quả mang tính “bề nổi”, vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay là ngành Giáo dục thành phố cần phải có những biện pháp quyết liệt để cải thiện chất lượng, phương pháp dạy – học trong nhà trường. Ở tầm cao hơn, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để nhanh chóng giảm tải chương trình một cách thực chất, khoa học để học sinh có thể nắm bắt các hệ thống kiến thức cốt lõi một cách chắc chắn, chấm dứt ngay tình trạng “học nhiều nhưng chẳng hiểu được bao nhiêu”.
Việc đổi mới giáo dục không chỉ dừng lại ở hô hào, mà thực tế đã và đang chỉ ra rất nhiều việc cụ thể cần phải bắt tay vào thay đổi, ngay từ bây giờ.