THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:32

Lộc xuân

Đường phố yên ắng dẫu chỉ vài ba hôm nữa là Tết. Rồi đám sương loãng dần. Con đường nhỏ hẹp lên dốc bờ đê ở trước nhà ông đã thấy lác đác người đi lại. Bỗng ông sững người khi nhận ra một chiếc xe cải tiến phủ bạt kín từ cuối phố đi lên. Kéo xe không phải người phụ nữ mảnh khảnh năm xưa, mà là một thanh niên vạm vỡ.

Bảy, tám năm trước, cũng trong sương mù thế này, cũng vào dịp giáp Tết thế này, ông thấy người đàn bà cầm càng xe kéo ngược dốc lên bờ đê. Phía sau xe là đứa bé gái choãi chân cố sức đẩy. Chiếc xe lăn bánh ì ạch rồi đứng im. Ông vội chụp mũ, chạy ra.

- Khổ, chở gì mà nặng thế? Nào, tôi giúp một tay lên dốc.

Người đàn bà đội nón đứt vành, mặc chiếc áo mưa vải bạt, quay đầu lại:

- May quá. Ông giúp cháu với.

Ông nhìn đứa bé gái mặc áo mưa mỏng vẫn cúi gằm:- Cháu nghỉ học à?

- V...â...ng - Đứa bé lí nhí đáp.

- Sao lại nghỉ?

Đứa bé im lặng gục đầu vào thành xe, di di ngón chân trên đường.

- Cháu không thích đi học à?

- C...ó...

Giọng người đàn bà từ trên vọng xuống não nề:

- Cháu học giỏi lắm ông ạ. Nhưng không có nó phụ, mình cháu làm sao kéo được.

Đứa bé bỗng thút thít khóc. Đôi vai rung bần bật.

- Cháu muốn đi học nữa không?

- C...ó...

- Thôi nín đi cháu. Ông cháu mình cùng hai, ba đẩy nhé, đẩy cả cái khóc đi. Nào, hai...ba!

Từ hôm ấy đã quen lệ, ông rỗi rãi là ngồi chờ chiếc xe qua trước cửa nhà. Như không phải hôm nào ông cũng gặp vì chiếc xe đi chẳng theo giờ giấc nào.

Có tiếng dép kêu lệt xệt trước vỉa hè. Ông Đề người hàng phố tới.

- Ông không đi hội làng Quế à?

- Mưa gió thế này đi gì.

- Bà lão ông đâu rồi?

- Bà ấy sang đứa con gái sắp ở cữ.

- Tết này thằng An có về không ông?

- Không về được. Vợ nó mới sinh. Nó viết thư về rồi.

- Chắc thế nào chẳng gửi ông bà chút lộc xuân?

Ông Mí khẽ cười:

- Tiền con cho, đâu phải là lộc.

Vậy là đã hai tết, con ông không về xum họp. Ở nơi đất khách quê người, khổ thế đấy. Nhưng cũng mừng cho chúng, làm ăn bên tây cũng có đồng ra đồng vào, không đến nỗi chật vật như ở quê nhà. Tết năm ngoái, vợ chồng nó cũng gửi cho ông mấy nghìn đô, năm nay cũng vậy.

- Đã lâu không thấy mẹ con chị kéo xe qua, ông nhỉ? - Ông Đề hỏi.

- Phải, tôi thấy nhớ. Chẳng hiểu họ sống ra sao. Ông Đề oang oang:

- Loại người ấy được hai bữa ăn là phúc rồi. Còn nghèo hèn đến kiếp chết.

Ông Mí khó chịu nhìn người hàng phố béo ị lùn tẹt. Cũng chỉ xuất thân từ ông buôn lợn, buôn chó, bỗng chốc nhảy vào địa ốc mà thành tỷ phú. Chỉ có điều về già, con cái hư hỏng lang bạt biệt tăm. Ông sống với người vợ mới lấy kém mình hai chục tuổi, mặc cho vợ cũ sống khốn khó ở quê.

Vẫn giọng như lệnh vỡ, ông hàng phố dõng dạc:

- Bà vợ tôi kể, mụ ấy chửa hoang, có nhà cửa gì đâu, thuê căn nhà một gian bếp bỏ không. Toàn đi làm thuê. Ai sai việc gì cũng làm, kể cả dọn cứt.

- Ông ơi, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mình chả giúp được người ta thì thôi - Ông Mí khẽ nói.

- Giúp tùy người. Ngữ ấy... - Ông Đề kêu toáng lên - Giờ tôi mới để ý cành đào của ông. Nhỏ quá, lại ít nụ. Tôi vừa chơi cây đào rừng khủng lắm. Rất nhiều nụ. Ở đây chục triệu cũng không tìm được. Chốc nữa, ông sang tôi xem.

Ông Đề đã về. Hẳn là ông cũng chẳng hứng thú trò chuyện với ông giáo già về hưu sống đạm bạc.

Ông Mí lại ngồi thừ nhìn ra đường. Người đàn bà bịt khăn kín mặt chỉ hở mỗi đôi mắt lại hiện ra trước mặt ông. Ông để ý, hầu như lúc nào kéo xe trên đường người phụ nữ ấy vẫn bịt khăn như thế kể cả trời nắng chang chang hoặc mưa tầm tã, kể cả khi đến nhà ông.

Phải, hôm ấy ông nói mãi mẹ con chị mới vào nhà mình. Chị ngồi rúm ró, còn đứa bé gái nép vào cánh tay mẹ. Cho đến tận bây giờ ông vẫn nhớ như in đôi mắt ấy. Đó là đôi mắt dài, đen láy đầy vẻ tự tin, nhưng mà buồn - buồn đến nao lòng, một nỗi buồn sâu thẳm, tưởng không bao giờ tắt. Ông không biết tả thế nào chỉ biết không dám nhìn lâu vì nếu vậy ông không chịu được.

"Chị cố cho cháu học để cháu sau này đỡ khổ. Thôi thì tất cả vì con. Ai cũng vậy, chị ạ".

"Cháu cũng muốn thế, nhưng..." - Người đàn bà rơm rớm nước mắt.

"Chị cố nghĩ cách nào không? Chỉ vài ba năm nữa cháu lớn, dẫu muốn đi học cũng khó. Tiền nong tôi không có nhiều, nhưng sẽ giúp cháu sách vở, giấy bút. Chị cố nghe tôi - một thầy giáo già đã bốn mươi năm trong nghề. Ít chữ, không nghề ổn định, khổ lắm chị ạ.

Đứa bé ngước nhìn mẹ. Người mẹ kéo con vào lòng. Cả hai bỗng òa ra khóc...

Bẵng ít hôm không thấy mẹ con chị kéo xe trên đường. Ông lo sợ đã xảy ra điều gì đó với người đàn bà khốn khó này. Ở đời thiếu gì cảnh chó cắn áo rách, đã nghèo thì lại nghèo thêm, đã khó thì khó cả đêm lẫn ngày. Tai ương rất hay giáng xuống những người khốn khổ. Rồi một hôm ông thấy một người đàn ông kéo xe còn chị đẩy phía sau. Nhân xe dừng ở chân dốc, ông lững thững ra. Chị vẫn chiếc khăn quấn kín mặt, bẽn lẽn:

- Cháu vừa nhờ một người làm giúp rồi.

- Có phải trả tiền công không đấy? - Ông tủm tỉm cười.

Chị quay đầu về phía trước, vai khẽ rung lên. Không hiểu chị giấu nụ cười hay che má ửng đỏ. "Hẳn là ông chồng mới? Hay chỉ là nhân tình nhân ngãi?" Ông nghĩ thầm.

- Thế cái bé đâu? Nó đi học chưa?

- Dạ, cháu đi học rồi.

- Tuyệt ! Chị làm như thế là phải lắm. Thôi cố chịu khổ đoạn nữa vì con, chị nhá?

 - Vâng ạ.

- Đừng thất hứa với ông giáo già này. Lời nói, đọi máu đấy.

Chừng nửa tháng lại không thấy người đàn bà ấy kéo xe. Ông bảo vợ dò hỏi xem sao. Vợ ông bảo, người ta nói mẹ con chị đã chuyển đi chỗ khác rồi, một chỗ không ai biết. Ông bần thần suốt mấy ngày.

Người phụ nữ quấn khăn kín mặt, chỉ hở đôi mắt buồn rười rượi. Và đứa bé gầy guộc. Nó có đôi mắt chẳng khác gì mẹ. Người đàn bà ấy. Đứa bé ấy.

... Có tiếng xe máy tắt ở trước cửa. Một người đàn bà luống tuổi ăn vận chải chuốt từ trên xe bước xuống:

- Xin lỗi, bác có phải là bác Mí không ạ?

Ông Mí ngơ ngác:

- Vâng. Xin lỗi, bà là...

- Dạ, em thưa chuyện sau.

Ông mời người đàn bà vào nhà, rót nước.

- Em chuyển cho bác một bức thư.

- Thư của tôi?

Ông vội đỡ bức phong bì có in cành đào đỏ. Một dòng chữ nguệch ngọac to đậm: "Kính gửi ông Mí ở dốc Voi. Cháu: Làn. Nhờ bác Nguyệt chuyển giúp. Cháu cám ơn bác".

- Làn? Ai nhỉ?

 - Cô vẫn kéo xe trên đường nhà bác...

- Ôi giời, lâu quá...

Người đưa thư nhìn khắp lượt căn phòng nhỏ hẹp, khẽ khàng nâng cốc nước chè tươi nóng bỏng, chầm chậm uống từng ngụm.

"Khổ, chập tối chị ấy hấp tấp chuyển đi. Tất cả đồ đạc chất lên xe cải tiến. Em nói thế nào cũng không được". Bà khách lạ mở đầu câu chuyện bằng cái giọng bổng trầm duyên dáng.

"Em gặng mãi, chị ta mới líu lưỡi: Tối nay nó về. Em hỏi: Nó nào? Thằng vẫn đẩy xe hả? Chị ấy gật đầu lia lịa. Nhưng mà làm sao? Nó về dọa giết à? Chị ta không nói.

"Em có như người ta đâu, tiếng là cho thuê nhà nhưng mỗi tháng chỉ lấy hai trăm ngàn đồng, coi như cho. Ngày lễ, ngày tết đều cho mẹ con chị đồng quà, tấm bánh...

"Đúng là đêm hôm đó, thằng đẩy xe về. Nó còn gây gổ với em. Cũng may có mấy người hàng phố đến...

"Từ hôm ấy, mẹ con chị ta biệt tăm, không một lời nhắn gửi nào. Có lẽ chị ta sợ lộ nơi ở sẽ gặp rắc rối. Em cứ tưởng chẳng bao giờ biết tin tức chị ấy nữa. Vậy mà hôm qua em nhận được một phong bì to trong đó có thư gửi em và chiếc phong bì này..."

Ông Mí vội bóc phong bì khi bà khách đã về với người xe ôm.

"Ông ơi cháu có lỗi là trước khi đi không kịp chào ông bà. Cũng là vì hoàn cảnh phải vậy. Ông bà tha lỗi cho cháu...

"Ông ơi, cháu đời đời biết ơn ông, không phải chỉ vì ông cho con cháu sách vở, giấy bút mà còn vì những lời động viên mẹ con cháu. Có lúc cháu khổ quá, định cho cháu nghỉ học nhưng lại nhớ lời ông nói. Ông bảo, lời nói đọi máu. Cháu đã hứa rồi..."Ông ơi, cháu cũng muốn giữa đời trông cậy vào người đàn ông nhưng người mà cháu tưởng là tử tế hóa ra đểu lắm ông ạ. Nó nghiện hút, chỉ tróc tiền của cháu, đã thế lại định làm hại con cháu. Nó luôn đánh đập cháu, có lần bóp cổ cháu suýt chết..."

Ban đầu mẹ con cháu chạy xuống chùa Phúc Lâm, nơi cháu từng đến vài ba lần vãn cảnh. Sư thầy biết hoàn cảnh cháu đã cho mẹ con cháu ở tạm nửa tháng. Lại phúc đức cho cháu, gặp một ông hảo tâm nhận mẹ con cháu làm ở một công ty của ông, cho hẳn một gian nhà. Con cháu lại được đi học, giờ làm kế toán ở một xí nghiệp cạnh bên. Cháu đã lấy chồng. Cuối năm nay con rể cháu sẽ xây nhà, đón cháu đến ở..."

Lại tiếng dép kêu quen thuộc trước cửa. Ông Đề oang oang:

- Này ông bạn, con chó nhà ông Giá vừa bị xe ô tô cán chết. Ông có đụng không?

Tôi đăng ký một chân rồi. Chó ông Giá là chó ta, béo lắm. Ông có chuyện gì mà tươi tỉnh thế? Nhận lộc xuân hả?

- Vâng, đúng là lộc xuân, phải gọi là lộc vạn xuân.

- Tôi biết ngay mà. À, ông có đụng thịt chó không?

Thấy ông Mí lắc đầu, ông Đề nhăn mặt lẳng lặng trở về. Ông Mí nâng phong bì trước mặt, ngắm mãi cành đào đỏ rực ở góc giấy, mủm mỉm cười...

Minh họa: Hoàng tùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh