Loạt doanh nghiệp tại Huế đóng thiếu phí bảo vệ môi trường, cơ quan thuế bị yêu cầu kiểm điểm
- Huyệt vị
- 16:30 - 31/07/2023
- Phong Điền (Thừa Thiên Huế): Người dân bất an vì nạn khai thác cát trắng, than bùn trái phép quanh Bàu Niên
- Vụ đất, cát lậu tại Thừa Thiên Huế: Báo cáo bỏ sót 2/3 điểm khai thác
- Thừa Thiên Huế phê duyệt mỏ đất san lấp ở khu vực có nhiều mỏ lậu
- Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo xử lý nghiêm vụ khai thác đất trái phép tại Lộc Bổn
Được biết, trước đó, KTNN đã thực hiện kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sau khi kiểm tra, KTNN đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được cấp phép khai thác khoáng sản theo hình thức mỏ lộ thiên đã nộp thiếu phí bảo vệ môi trường do “quên” nhân hệ số K = 1,1 theo quy định. Đây là khoản phí doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ cho việc bảo vệ môi trường, cải thiện, xử lý ô nhiễm, tái tạo môi trường nói chung và tại khu vực khai thác mỏ nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Thái - Trưởng phòng Quản lý Hộ kinh doanh, Cá nhân và Thu khác (Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, kết luận của KTNN chỉ ra trên địa bàn tỉnh có 10 lượt doanh nghiệp nộp thiếu phí bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2017 - 2022 do “quên” nhân hệ số K. Tổng số tiền buộc phải truy thu là hơn 309,6 triệu đồng.
Một số doanh nghiệp “quên” đóng phí bảo vệ môi trường khi khai thác mỏ lộ thiên khá có tên tuổi tại Thừa Thiên Huế, như: Hùng Đạt, Tuyết Liêm, Hoàng Ngọc, Công ty CP Lâm nghiệp 1-5, Công ty CP Xây dựng 939, VLXD Lộc An, HTX Niềm tin,…
Theo ông Thái, ngay sau khi nhận được thông báo của KTNN, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai các bước truy thu, yêu cầu các doanh nghiệp đóng thiếu nghiêm chỉnh chấp hành kết luận của KTNN. Đến nay, 9/10 lượt doanh nghiệp bị nhắc tên đã hoàn thành việc nộp tiền cho cơ quan thuế, với số tiền gần 240 triệu đồng.
Riêng Công ty CP Xây dựng 939 (đường Tam Thai, TP Huế), hiện nay cơ quan thuế vẫn chưa liên lạc được vì đã tạm ngưng hoạt động tại địa chỉ đăng ký và đã được thông báo “mất tích” trên hệ thống trước thời điểm KTNN kiểm tra. Ông Thái cho biết, dù doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Do đó, cơ quan thuế vẫn đang theo dõi nợ và tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định.
Bên cạnh yêu cầu truy thu tiền phí bảo vệ môi trường còn thiếu, KTNN cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Cục Thuế tỉnh kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chưa kiểm tra, phát hiện kịp thời dẫn đến các doanh nghiệp khi tính phí bảo vệ môi trường không nhân hệ số K=1,1 đối với các mỏ khai thác lộ thiên theo quy định, do đó đã tính và nộp phí thiếu theo quy định.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Dân sinh, ông Hà Văn Khoa - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã chỉ đạo họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc, yêu cầu các cá nhân liên quan có bản báo cáo kiểm điểm riêng từng người.
Nguyên nhân dẫn đến những thiêu sót, không nhân hệ số K khi đóng phí bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp khai thác mỏ khoáng sản lộ thiên, ông Khoa cho rằng do hệ số này còn mới và nhỏ; các doanh nghiệp thiếu cập nhật thông tin.
Về mặt khách quan, theo cơ quan thuế tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay các doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kê khai thuế của đơn vị mình. Mặt khác, do số lượng doanh nghiệp nhiều, tỷ lệ phân tích hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp tại cơ quan thuế thường ở mức 20% nên nhiều khi không bao quát được toàn bộ. Ngoài ra, hiện chưa có phần mềm hỗ trợ phân tích rủi ro đối với hồ sơ khai thuế tài nguyên môi trường và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.
Về mặt chủ quan, do phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các loại thuế phải nộp ngân sách Nhà nước, nên các cán bộ quản lý thường tập trung vào phân tích hồ sơ các khoản thuế lớn hơn, như: thuế GTGT, TNDN,…
Từ những phân tích nêu trên, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế kết luận, chưa phát hiện hoặc chưa có dư luận về việc xảy ra sai sót nêu trên là vì động cơ vụ lợi cá nhân.