Thừa Thiên Huế phê duyệt mỏ đất san lấp ở khu vực có nhiều mỏ lậu
- Y học 360
- 10:36 - 01/07/2023
Cụ thể, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 12, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khoá VIII (ngày 29/6), các đại biểu tham dự đã đồng ý thông qua 16 Nghị quyết quan trọng liên quan đến Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội. Tại kỳ họp này, các đại biểu cũng thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 4 dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án “Khai thác đất làm vật liệu san lấp”tại khu vực xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.
Theo đó, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất dự án “Khai thác đất làm vật liệu san lấp” tạikhoảnh 11 tiểu khu 199, nằm trên trục đường ĐT15, thuộc thôn Hoà Vang (sát với khu tái định cư Bến Ván), xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, có diện tích 12,05 ha. Đơn vị trúng đấu giá mỏ đất này là Công ty TNHH MTV Quốc Nguyên (tại xã Lộc Điền, Phú Lộc).
Đây là diện tích rừng trồng sản xuất do hộ gia đình quản lý, với loài cây chủ yếu là keo thuộc cấp tuổi I, trữ lượng rừng 19,8 m3 /ha.
Trước đó, Dự án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt trữ lượng khoáng sản đất vào tháng10/2021; phê duyệt kết quả xác định tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản của mỏ đất làm vật liệu san lấp tháng 11/021.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Dự án Khai thác đất làm vật liệu san lấp tại khu vực xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc nằm trong điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tỉnh; đồng thời nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của các địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mặt khác, dự án cũng được cập nhật vào danh mục các dự án có ảnh hưởng đến rừng được quy hoạch cho mục đích sử dụng khác không phải lâm nghiệp.
Chủ đầu tư có trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để tỉnh bố trí trồng lại rừng, do đó không làm ảnh hưởng đến diện tích và tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, dự án “Khai thác đất làm vật liệu san lấp” tại khu vực xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc hằng năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước; góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động địa phương.
Điều khiến nhiều người dân quan tâm là vì sao đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế lại đồng ý thông qua chủ trương chuyển đổi đất rừng để làm dự án khai thác đất san lấp tại một khu vực đang rất nhạy cảm về vấn đề khai thác đất trái phép. Thôn Hoà Vang, xã Lộc Bổn là khu vực có nhiều mỏ đất “lậu” đã được báo chí, dư luận phản ánh trong suốt thời gian vừa qua. Việc khai thác đất trái phép tại đây không chỉ gây hệ luỵ về môi trường mà còn tác động xấu đến tình hình an toàn, an ninh trật tự xã hội, đồng thời làm thay đổi, biến dạng diện tích đất vốn dùng để trồng rừng sản xuất. Khu vực thực hiện dự án rất gần với mỏ đất lậu tại thửa đất 130, tờ bản đồ 51, thôn Hoà Vang, xã Lộc Bổn mà báo Dân sinh đã phản ánh và lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa chỉ đạo kiểm tra, xử lý.
Trả lời báo chí, bà Dương Thị Thu Truyền - Phó Trưởng ban Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự án do UBND tỉnh trình phê duyệt đều nằm trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương và của tỉnh; đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật. HĐND tỉnh cũng đã tổ chức giám sát, thẩm tra kỷ các dự án liên quan đến chuyển đổi đất rừng. Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc điều chỉnh, bổ sung một số dự án vào mục đích công trình, dự án có ảnh hưởng rừng, đất rừng được quy hoạch cho mục đích sử dụng khác là phù hợp với thực tiễn và đảm bảo quy định hiện hành.
Bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thừa nhận, việc cấp phép mỏ, khai thác mỏ làm đất san lấp hiện nay vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Nhiều chủ mỏ còn thực hiện các hành vi vi phạm, như: khai thác sai với nội dung giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp; khai thác sai vị trí mỏ được cấp phép, sai với thiết kể mỏ; trong quá trình khai thác, một số mỏ gây ảnh hưởng đến môi trường, xã hội. Khi hết hạn khai thác, một số chủ mỏ không chấp hành đóng cửa mỏ theo quy định, không phục hồi môi trường tự nhiên,…Với các vấn đề báo chí nêu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận và cho biết sẽ có sự trao đổi, thảo luận với chính quyền, cơ quan chức năng để có những điều chỉnh, bảo đảm hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản diễn ra an toàn, đúng quy định và phục vụ tối đa mục tiêu giúp phát triển kinh tế - xã hội