Lo thiếu thịt lợn vào cuối năm
- Huyệt vị
- 13:00 - 16/07/2019
Đồng bằng sông Hồng là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất
Cũng theo số liệu từ Bộ NN&PTNT đồng bằng sông Hồng là nơi bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương mất tới 30-40% tổng đàn, ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch đã cạn kiệt.
Các địa phương căng mình chống dịch
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá tình ứng phó như dịch bệnh này. DTLCP đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân, bởi ngành chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Đó là chưa kể kinh phí phòng chống, tiêu huỷ lợn bệnh phải bỏ ra. Bởi có những tỉnh dùng toàn bộ ngân sách dự trữ để hỗ trợ nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ thiệt hại do dịch bệnh này gây ra.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTHCP, vấn đề lo ngại đặt ra là từ nay đến cuối năm, tình hình cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn sẽ như thế nào. Liệu có xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm dẫn tới đẩy giá lên cao vào những tháng cuối năm. Bởi khi DTLCP xâm nhập vào Việt Nam, ngay từ đầu đã dự báo trước nếu biện pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất không tốt, cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn.
Vì vậy, để đảm an đủ nguồn cung thực phẩm cung cấp cho thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại như nuôi gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản trên nguyên tắc phát triển theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học. Những nơi đảm bảo an toàn sinh học cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn làm chủ được công nghệ thì có thể tăng đàn. Những nơi qua 30 ngày không phát sinh dịch, đảm bảo tốt các điều kiện an toàn sinh học cũng có thể phát triển đàn lợn.
Sau khi giá thịt lợn hơi xuống mức khá thấp thì mấy ngày gần đây lại bật tăng trở lại ở giữ ở mức cao. Tại Hưng Yên, Hà Nội, giá lợn hơi tăng lên mốc 41.000 đồng/kg; ở Bắc Giang thương lái thu mua lợn hơi với giá 43.000 đồng/kg. Thậm chí có doanh nghiệp thu mua lợn hơi với giá 44.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở miền Trung và miền Nam giá thịt lợn đang nhích nhẹ, hiện ở mốc 31.000-35.000 đồng/kg.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cũng dự báo giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ có xu hướng biến động dịp cuối năm. Việc giảm cung không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi.
Các địa phương chủ động vào cuộc phòng, chống DTLCP
Là tỉnh đầu tiên trên cả nước phát sinh DTLCP từ ngày 1/2/2019, đến nay, Hưng Yên đã có trên 1/3 tổng đàn lợn bị tiêu hủy, với tổng kinh phí cần phải hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy lên tới hơn 600 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh chỉ có khoảng 180 tỉ đồng, vì vậy đang rất cần nguồn kinh phí hỗ trợ từ TƯ để đẩy nhanh việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Minh Quang, PCT UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh cũng đã có 30 xã hết dịch. Đặc biệt từ tháng 6/2019 đến nay, dịch đã có dấu hiệu chậm lại, nhất là 10 ngày gần đây toàn tỉnh không phát sinh lợn chết phải tiêu hủy. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng, cho thấy dịch đã có chiều hướng đi xuống. Hiện giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc cũng đang có chiều hướng cải thiện tốt khi đang nhích dần lên. Nhằm tăng cường nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, Hưng Yên cũng đã có phong trào tuyên truyền, vận động người dân không quay lưng, tăng cường tiêu thụ thịt lợn, trong đó tỉnh đề nghị cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu hưởng ứng. Đây là cách làm mà theo chúng tôi các địa phương khác nên vào cuộc tương tự. Hưng Yên đang đẩy mạnh nhân rộng, phổ biến các mô hình, chuỗi chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hướng tới xây dựng các vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Để đẩy nhanh được việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, Hưng Yên kiến nghị cần phải có cơ chế pháp lí cần thiết để xử lí, từng bước hạn chế các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bênh.
Ông Đặng Duy Hậu, PCT thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, khâu quản lí giết mổ đang là vấn đề nhức nhối. Nếu không quản lí được khâu giết mổ, không đưa giết mổ vào quy củ, tập trung, đảm bảo về điều kiện vệ sinh thú y thì DTLCP sẽ rất khó lòng được kiểm soát. Với đặc thù thích dùng thịt nóng, điều kiện các lò mổ không đảm bảo. Vì thế, trong thời gian tới, cần phải có các giải pháp để từng bước thay đổi về thói quen tiêu dùng, chuyển dần từ thói quen dùng thịt nóng sang thịt mát, đây sẽ là điều kiện để đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn, có công nghệ thịt mát hiện đại, đảm bảo vệ sinh thú y... “Về công tác phòng chống DTLCP, cần phải tổ chức các đội tiêu hủy lợn mang tính bài bản, chuyên nghiệp. Xe chở lợn tiêu hủy phải là xe riêng biệt, chỉ dùng chở lợn tiêu hủy thôi, chứ không thể nào nay tiêu hủy lợn, mai lại đi chở cám hay làm việc khác, kể cả đội tiêu hủy lợn cũng phải chuyên nghiệp, đúng kỹ thuật..., nếu không thì nguy cơ gieo rắc lây lan dịch càng lớn”, ông Đặng Duy Hậu nhấ mạnh.