CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:42

Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp

Lực lượng chức năng phun thuốc sát trùng phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)


Theo nguồn tin từ TTXVN cho biết, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biễn phức tạp, một số địa phương tiếp tục bị tái dịch sau hơn 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới hoặc đã công bố hết dịch.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 xã là Trung Yên và Hợp Thành, huyện Sơn Dương bị tái dịch tả lợn châu Phi sau hơn 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tuyên Quang đã có 70 xã, phường có bệnh dịch tả lợn châu Phi; trong đó có 6 xã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 9.300 con với tổng trọng lượng trên 515 tấn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh.

Hiện, tỉnh đã cung cấp 76 tấn vôi bột, trên 7.500 lít thuốc khử trùng cho các địa phương có dịch tả lợn châu Phi để khoanh vùng, dập dịch; thành lập 87 chốt kiểm dịch tạm thời, một tổ cơ động để kiểm soát việc mua bán, vận chuyển lợn, phun thuốc khử trùng.

Tại Hà Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Bệnh dịch xuất hiện tại tỉnh từ ngày 28/2 đến nay, 100% xã, thị trấn đều có các ổ dịch với hơn 105.600 con lợn đã phải tiêu hủy (chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng đàn lợn).

Nhiều xã đã công bố hết dịch nhưng sau thời gian ngắn dịch lại quay trở lại. Bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Thực hiện phòng chống dịch, tỉnh Hà Nam đã sử dụng hơn 41.400 lít hóa chất và gần 2.300 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường vùng dịch; đồng thời, duy trì liên tục các chốt chống dịch kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào thôn có dịch.

Cán bộ thú y huyện Châu Thành, Tây Ninh tiêu độc, sát trùng chuồng lợn bị bệnh dịch. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN).


Liên quan đến dịch tả lợn châu Phi, trước đó, ngày 9/7, báo Pháp luật Việt Nam cũng đưa tin, UBND huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) công bố thêm một ổ dịch tả lợn châu Phi mới tại một hộ ở ấp 8, xã Tân Lợi Thạnh, với tổng đàn 209 con. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy lợn theo quy định. Cùng với đó, một huyện khác của tỉnh Bến Tre là Mỏ Cày Bắc cũng công bố dịch tả lợn châu Phi ở ấp Thủ Sở, xã Thạnh Ngãi, với tổng đàn 87 con. Mỏ Cày Bắc là 1 trong 3 huyện có đàn lợn lớn nhất tỉnh Bến Tre, với tổng đàn khoảng 166.000 con, riêng xã Thạnh Ngãi hơn 15.000 con. Như vậy, tính đến ngày 9/7, tỉnh Bến Tre đã xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi, 350 con lợn bị tiêu hủy.

Cùng ngày, ông Võ Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) thông tin, ngành chức năng của huyện vừa tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 20 con của một hộ gia đình ở thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây sau khi có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đây là ổ dịch bùng phát đầu tiên tại huyện miền núi này.

Trong khi đó, ở tỉnh Tây Ninh cũng phát hiện thêm 2 hộ chăn nuôi tại 2 xã biên giới Phước Vinh và Hòa Thạnh có lợn bị chết, nghi mắc dịch tả lợn châu Phi. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi của tỉnh đã họp khẩn cấp, chỉ đạo Sở NN&PTNT thường xuyên trao đổi thông tin giữa các trạm chăn nuôi và thú y, chốt kiểm dịch động vật. UBND các huyện, thành phố nắm diễn biến dịch bệnh để xử lý kịp thời; thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, ngăn dịch lây lan rộng…

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh