“Lỗ hổng” trong cơ quan công quyền
- Văn hóa - Giải trí
- 15:50 - 10/12/2015
Đúng. Trong nhiều vụ án, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng có ba đầu, sáu tay cũng khó ngăn chặn được. Nhưng nhiều vụ án, vụ phạm pháp xảy ra gần đây ở Hà Nội, cho thấy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng của Thủ đô không thể xoa tay, phủi trách nhiệm của mình.
Như vụ xây nhà vượt phép 4-5 tầng ở phố Lê Trực (quận Ba Đình) lù lù, ngang nhiên thách thức pháp luật quá trắng trợn. Tại sao chính quyền từ phường đến thành phố “bỏ qua”, cho tới lúc công luận dậy sóng, mới hớt ha, hớt hải lao vào cuộc thanh, kiểm tra, đợi đến Chính phủ có ý kiến chỉ đạo mới ra tay xử lý?. Ở đây thủ phạm không chỉ lén lút vi phạm trong nháy mắt rồi lặn tăm, mất hút. Mà việc vi phạm luật công khai, không chỉ một ngày mà nhiều ngày, không chỉ một tháng mà nhiều tháng. Nơi vi phạm là phố xá đông đúc, lại ở sát cạnh trụ sở UBND phường.
Hiện trường vụ án mạng ở Thạch Thất. Ảnh: Tùng Lâm.
Đau lòng hơn, vụ án mạng vừa xảy ra ở xã Canh Nậu, (huyện Thạch Thất), kẻ trộm vào nhà khi bị đuổi bắt, đã quay lại đâm 4 người trong một gia đình, làm 2 người chết, 2 người bị thương. Điều đáng nói, hậu quả của vụ án này là điều mà rất nhiều người dân ở địa phương đã dự báo trước. Họ hoang mang, hoảng sợ khi phát hiện Nguyễn Văn Kỳ, kẻ có nhiều tiền án, nghiện ma túy nặng, vừa ở tù ra, dựng túp lều tạm trú đầu làng. Không những thế, hắn còn ngang nhiên tụ tập “các chiến hữu”, biến túp lều trên thành nơi hút chích. Chẳng ai bảo ai, các gia đình trong thôn, trong xã thường xuyên nêu cao cảnh giác, phòng ngừa đám nghiện này gây án. Trái ngược với sự lo lắng của dân, chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật của địa phương lại “án binh bất động”, không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Trời ơi!.Giá như chính quyền, công an địa phương nhanh chóng có biện pháp xử lý cái lều xơ xác ấy, với đám con nghiện dặt dẹo ngày đêm lởn vởn quanh đấy, thì 2 cha con ông Nguyễn Lương Chuân đâu có bị chết oan, cùng vợ và con trai khác của ông Chuân không phải mang thương tật suốt đời. Thậm chí thủ phạm, nếu được giáo dục tốt còn có cơ hội làm người lương thiện. Nhưng “mất bò” chính quyền và các cơ quan bảo vệ luật pháp “mới lo làm chuồng”. Nhìn thấy “quan tài” mới chịu “rơi" vài giọt lệ !.
Phòng hơn chống, cái câu ấy đã quá quen tai. Thế nhưng biết rất rõ, hiểu rất tường tận, việc rất cụ thể, người ta vẫn dửng dưng không mó tay, động chân vào cuộc. Bởi căn bệnh vô cảm đã di căn vào xương tủy của một bộ phận quan chức, công chức hiện nay. Họ chỉ bo bo thu vén cá nhân, còn của người khác, của công, “cha chung không ai (buồn) khóc”, sống chết mặc bay!
Hiện có nhiều, rất nhiều quan chức, công chức chỉ nhăm nhăm vào bằng cấp, để có cơ hội thăng chức, tăng lương, mà quên, thậm chí chẳng cần rèn luyện ĐẠO ĐỨC, quen “ăn xổi”, mưu lợi cá nhân, chỉ có được cái nhìn tủn mủn, mà không có cái tầm nhìn xa, cái nhìn ra cộng đồng, sống vì cộng đồng.