Lo học sinh, sinh viên dễ sa ngã trong ngày Tết
- Giáo dục nghề nghiệp
- 18:30 - 06/02/2019
Thầy cô giáo lo học sinh, sinh viên dễ sa ngã trong ngày tết (Ảnh minh họa: cand.com.vn.
Hàng chục năm nay, các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thường cho học sinh, sinh viên và thầy cô giáo nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày (từ 10 ngày đến trên 20 ngày) để có thời gian nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, phụ giúp công việc gia đình, vui xuân, đón Tết… sau một thời gian dài học hành, làm việc vất vả, mệt nhọc.
Các thầy cô giáo, sinh viên và học sinh đều có chung tâm trạng rất phấn khởi, vui mừng vì được nghỉ dài ngày như thế.
Bên cạnh, biết bao cái tốt đẹp, niềm vui thì một bộ phận học sinh, sinh viên nảy sinh những hành vi, việc làm chưa tốt, tiêu cực trong dịp Tết Nguyên đán khiến các bậc phụ huynh và thầy cô giáo phải lo lắng, đau đầu.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, 45 tuổi, một phụ huynh ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên bày tỏ:
“Thực tế, đang diễn ra ngoài giờ học tập thì về nhà, về địa phương, nhiều sinh viên, học sinh, thanh thiếu niên, không biết làm gì, tham gia cái gì, vì hết hầu các nhà trường, tổ chức đoàn, đội, chính quyền ở địa phương rất ít có hoặc không có hoạt động để thu hút.
Nhiều học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên lúc rảnh rỗi, ngày hè, nhất là ngày Tết Nguyên đán nghỉ dài ngày dễ sa vào lạm dụng bia, rượu, gây gổ đánh nhau, phóng nhanh vượt ẩu gây mất trật tự an ninh, an toàn giao thông hoặc mải đến quán game, tụ tập ăn chơi, bài bạc, cá độ ăn tiền thâu đêm suốt sáng.
Biết bao vụ việc đáng tiếc, đau lòng từng nảy ra liên quan đến đối tượng học sinh, sinh viên.
Theo tôi, vai trò, trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trong việc nhắc nhở, giáo dục, ngăn cản con em uống bia, rượu, đi xe máy… cần đặt lên vị trí hàng đầu.
Công tác tuần tra, xử lý vi phạm của công an giao thông, thanh tra giao thông nên tăng cường ở tầng suất cao, để kịp thời răn đe, chấn chỉnh những trường hợp giới trẻ khinh nhờn, coi thường pháp luật.
Bệnh cạnh đó, việc cần làm của chúng ta hiện nay là ngoài đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên về tác hại của bia, rượu cùng các tệ nạn xã hội khác thì nhà trường, địa phương nên tạo ra nhiều sân chơi bổ ích, như tuần đọc sách, tuần công tác xã hội, tổ chức các hội thi thể thao, văn nghệ…
Từ đó, thu hút đông đảo thanh thiếu niên hưởng ứng, tham gia... để giảm dần và tránh xa với lạm dụng bia, rượu và các tệ nạn tai hại khác khi mà Tết Nguyên đán năm nay đang đến gần.
Chúng ta phải có những biện pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả trong dịp trước, trong và sau Tết chứ không nên để những sự việc nghiêm trọng đã xảy ra rồi mới đến xử lý, giải quyết… như vậy là quá muộn", ông Tuấn nêu đề xuất, kiến nghị.
Ăn Tết Nguyên đán xong trở lại trường lớp, các cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo ở hải đảo, miền núi, vùng khó khăn thường “gánh” thêm nỗi lo khác, không ít học sinh con em của đồng bào dân tộc thiểu số đi học theo kiểu “giã gạo”, thậm chí bỏ học theo cha mẹ, bạn bè vào rừng hái đót, chặt keo, đi biển…
Nhiều năm nay, sau Tết, 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi từng “nhức mình” về tình trạng ấy.
Thầy Phạm Văn Tiên, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Sơn Màu, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết:
“Trường tôi và các trường bạn, từ tiểu học đến trung học phổ thông ở huyện này thường rơi vào tình cảnh, trường lớp vắng học sinh, nhiều khi giáo viên đông hơn học sinh, trong thời gian tuần đầu dạy học trở lại sau nghỉ Tết.
Ban giám hiệu và các thầy cô giáo phải mất nhiều ngày, lặn lội đến từng nhà phụ huynh, học sinh ở các bản làng xa xôi để vận động, thuyết phục các em ra lớp.
Có em tỉnh ngộ ra, mấy ngày sau xuất hiện tại lớp. Còn một số em thì bỏ học luôn, theo chúng bạn đi làm nghề.
Sĩ số học sinh giảm sút mạnh lại bị cấp trên phê bình, kiểm điểm…
Dạy học ở miền núi, khổ sở, vất vả trăm bề. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ thà không có nghỉ hoặc nghỉ ít Tết Nguyên đán còn sướng hơn. Sau Tết là vật vã với nạn nghỉ học, bỏ học của học sinh”.
Các trường ở miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tuần đầu tiên sau Tết, dường như không có hoạt động dạy học ở trên lớp mà chủ yếu vận động học sinh ra lớp và nhà trường cố gắng tổ chức nhiều hoạt động tập thể, hoạt động vui chơi, văn nghệ, cắm trại… để thu hút học sinh đến tham gia, nhằm giảm dần “bệnh” ham chơi, chán học của các em.
Phải đến tuần thứ 2 sau Tết thì sĩ số học sinh trên từng lớp mới ổn định, các thầy cô giáo bắt đầu dạy học.
Các thầy cô giáo ở Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết:
“Chúng tôi đã quen với những nhiệm vụ, công việc tại trường sau Tết Nguyên đán. Chỉ có cách trên mới “kéo” được con em đồng bào ra lớp.
Vài năm nay, nhận thức về chuyện học hành của phụ huynh và con em đồng bào nơi đây có chuyển biến, đỡ hơn, số học sinh nghỉ học “giã gạo” và nghỉ học luôn giảm dần, thầy cô giáo chúng tôi bớt lo, bớt cực nhọc một phần nào đó”.
Không riêng gì các trường ở miền núi, các trường ở đồng bằng, thành thị, hiện tượng học sinh sao nhãng việc học hành, bê trễ về giờ giấc, nghỉ học “giã gạo”, tác phong, đầu tóc, giày dép lôi thôi, không đúng quy định… thường gia tăng đột biến.
Các nhà trường, thầy cô đành phải “mạnh tay” chỉnh đốn cả tuần để đưa các lớp, học sinh trở về “quỹ đạo” được thiết lập trước Tết.
Có cán bộ, công chức, viên chức ngành nghề khác bảo các thầy cô giáo bây giờ sướng thật, tỉ phú về thời gian, được nghỉ Tết dài ngày theo học sinh, sinh viên, được nghỉ hè hơn 2 tháng.
Nhưng họ chưa biết, chưa hiểu rằng, một số học sinh, sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày sinh ra không ít thói hư tật xấu… làm liên lụy đến nhà trường, thầy cô giáo.