CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:52

Lo con chậm phát triển vì dịch kéo dài

Con trẻ cần được giải phóng năng lượng mỗi ngày để phát triển tốt về thể lực và trí tuệ.

Con trẻ cần được giải phóng năng lượng mỗi ngày để phát triển tốt về thể lực và trí tuệ.

Nguy cơ chậm phát triển thể lực và thần kinh

Chị Minh Hạnh có con 5 tuổi học tại Trường mầm non Họa Mi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vô cùng sốt ruột khi nhiều tháng qua trường học đóng cửa, học sinh tạm dừng đến trường. “Sang năm con vào lớp 1 nhưng nói rất ngọng và nhiều từ không phát âm được. Năm ngoái, khi học lớp 4 tuổi, con được giao tiếp cùng thầy cô, bạn bè, nói nhanh và biết nhiều hơn. Nhưng kể từ khi nghỉ dịch Covid-19, do tính chất công việc, vợ chồng tôi không có nhiều thời gian cho con. Ở nhà, con thường xem tivi, chỉ thỉnh thoảng theo mẹ đến cơ quan và sang nhà bạn cùng khu. Thiếu hẳn các hoạt động học tập và giao tiếp xã hội, cứ đà này, không biết vào lớp 1 con sẽ học thế nào”, chị Hạnh lo lắng. 

Tương tự với nỗi lo chung con phải ở nhà lâu ngày, chị Trần Vinh (Minh Khai, Hà Nội) lo lắng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, con gái hơn 5 tuổi của chị không được đến lớp gặp cô, bạn bè thì e rằng sẽ bị trầm cảm.

Theo chị Vinh, con là đứa trẻ cá tính, nhanh nhẹn và thích vui nhộn. Khi chưa có dịch, chiều nào đi học về con cũng được ở lại sân trường để vui đùa chạy nhảy, hò hét cùng các bạn. Tuy nhiên, do nghỉ ở nhà lâu ngày nên tính tình con thay đổi, ít nói, lầm lì và độ nhanh nhẹn cũng dần mất đi.

“Nhiều hôm đi làm về, tôi thấy con đứng thẫn thờ ở cửa sổ, tôi gọi nhưng cháu dường như không nghe thấy, những bài hát trước đó được học ở lớp nay đã quên hết. Con từng rất hứng thú và thích học với bảng chữ với mẹ nhưng giờ thì thờ ơ và không muốn đọc và hỏi nữa. Điều tôi lo lắng hơn cả là con chuẩn bị vào lớp 1 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, biết khi nào con mới được trở lại lớp…”, chị Vinh chia sẻ.

Nhiều phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non cũng cho biết, trẻ ở nhà lâu ngày nên tính tình trở nên thay đổi, từ những bé nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng giờ trở nên trầm tính hay cáu giận, hờn dỗi và gào thét khi không được đáp ứng đúng yêu cầu.

 

 Theo ThS Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục (Đại học Sư phạm Hà Nội) cơ quan quản lý cần sớm tính đến phương án mở cửa trường học an toàn. Nếu “nhốt” các con ở nhà quá lâu tiềm ẩn nguy cơ chậm phát triển thể lực và thần kinh. "Nếu con trẻ không được giải phóng năng lượng mỗi ngày, chúng sẽ tích tụ ngược trở lại trong cơ thể mà sinh ra bí bách, khó chịu về thể chất cũng như tâm lý. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể lực và trí tuệ của trẻ, nhất là độ tuổi từ 6 đến 15", bà Quỳnh cho biết.

Đến trường học tập, vui chơi - nhu cầu cấp thiết

Vì dịch bệnh, trẻ mầm non không được đến trường, thời gian ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ. Về phía phụ huynh, nhiều người không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ; khi phải sắp xếp công việc để ở nhà chăm sóc con, thu nhập và kinh tế gia đình bị ảnh hưởng lớn.

Trong khi đó, hoạt động dạy học trực tuyến không thể hoặc không hiệu quả với lứa tuổi này. Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ bị hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non. Theo Bộ GD&ĐT, những hạn chế trên dẫn đến trẻ em mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển.

Suốt thời gian qua, cô Nguyễn Thúy Tình, giáo viên mầm non Trường mầm non Tuổi Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được rất nhiều lời than phiền của phụ huynh về việc con trẻ rất chán nản khi phải ở nhà lâu ngày.

Trẻ ở độ tuổi mầm non rất cần môi trường để giao tiếp, vui chơi và phát triển toàn diện.

Trẻ ở độ tuổi mầm non rất cần môi trường để giao tiếp, vui chơi và phát triển toàn diện.

“Trẻ ở nhà lâu ngày, không tiếp xúc với thầy cô, bạn bè thì đi học lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại về tâm sinh lý. Thời gian này, phụ huynh liên tục hỏi tôi khi nào con được đi học trở lại. Không chỉ phụ huynh, các giáo viên cũng rất sốt ruột, mong các con sớm được đi học lại. Độ tuổi này, con rất cần môi trường để giao tiếp, vui chơi và phát triển toàn diện”, cô Tình nói.

Theo ThS Nguyễn Thúy Quỳnh, thói quen sinh hoạt hàng ngày lặp đi lặp lại nhàm chán khiến trẻ hụt hẫng, ngừng trệ trong tư duy, chậm phát triển. Bà từng chứng kiến một cậu bé thường xuyên la hét, dỗi hờn, thậm chí có hành vi bạo lực, đánh đấm mọi người này mỗi khi không vừa lòng. Thi thoảng, bé lại tự nhốt mình trong phòng gào khóc, không rõ lý do. Đây là một dạng tâm thần thể nhẹ do bị “nhốt” trong một không gian nhất định quá lâu, thiếu sự hòa nhập xã hội.

Theo các chuyên gia, để trẻ đến trường, mỗi trường học cần có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn khi đón trẻ đi học trở lại. Cùng với đó, phụ huynh, giáo viên và nhà trường cần có sự phối hợp, đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trong phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, cha mẹ, giáo viên phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu ho sốt bất thường thì phải cho cháu nghỉ học để khám bệnh ngay.

Cũng theo các chuyên gia, nếu chẳng may có học sinh là F0 hoàn toàn có thể xử lý bằng cách khoanh vùng, dập dịch và cách ly học sinh ngay tại trường vì bất kỳ trường học nào hiện nay cũng đều có hệ thống bán trú, cơ sở vật chất. Quan trọng là các trường học cần xây dựng phương án cụ thể, để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh