THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:56

Liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

 

ảnh minh họa


Theo dự thảo, liên kết đào tạo nhằm mục đích huy động tiềm năng của các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị có liên quan nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội; tạo cơ hội học tập cho nhiều người trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hoá giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội được liên doanh, liên kết với các trường cao đẳng, trường trung cấp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo cho người lao động; tổ chức nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức sau:

- Liên kết phối hợp đào tạo: Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo tham gia giảng dạy một phần chương trình đào tạo, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo;

- Liên kết đặt lớp đào tạo: Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.

Dự thảo nêu rõ, đơn vị chủ trì liên kết đào tạo phải đáp ứng các điều kiện sau: - Phải có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành, nghề dự định liên kết đào tạo.

- Quy mô tuyển sinh liên kết đào tạo phải tuân theo các trường hợp sau: Nếu đơn vị đã thực hiện đủ quy mô tuyển sinh/năm của đơn vị được cấp phép thì quy mô tuyển sinh liên kết đào tạo không quá 30% quy mô tuyển sinh được cấp phép theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nếu đơn vị chưa thực hiện đủ quy mô tuyển sinh/ năm của đơn vị được cấp phép thì quy mô tuyển sinh liên kết đào tạo là phần còn lại của  quy mô tuyển sinh được cấp phép cộng với 30% quy mô tuyển sinh được cấp phép theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Đối với hình thức liên kết phối hợp đào tạo, đơn vị chủ trì liên kết đào tạo phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo. Đối với hình thức liên kết đặt lớp đào tạo, đơn vị chủ trì liên kết đào tạo phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên cơ hữu giảng dạy 100% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo.

- Đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, chương trình, giáo trình theo quy định, phù hợp với mục tiêu đào tạo của khóa học.

Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo phải đáp ứng các điều kiện sau: - Xác định được nhu cầu đào tạo về: số lượng, ngành, nghề đào tạo và trình độ đào tạo.

- Xác định địa điểm đặt lớp phải đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để phục vụ đào tạo: học lý thuyết, thực hành, thực tập, đảm bảo môi trường sư phạm, có đội ngũ cán bộ quản lý phù hợp với mục tiêu đào tạo của khóa học.

- Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo chỉ được tham gia giảng dạy tối đa 30% nội dung chương trình đào tạo nếu đơn vị chủ trì liên kết đào tạo có yêu cầu, đồng thời phải bố trí cho giảng viên, giáo viên tham gia giảng dạy sinh hoạt chuyên môn với đơn vị chủ trì liên kết đào tạo.

Theo dự thảo, đề xuất quy định trên sẽ không áp dụng đối với các trường hợp sau: Liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài; liên kết đào tạo theo hình thức học từ xa và tự học có hướng dẫn.


VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh