THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:08

Lên tiếng khi bị xâm hại tình dục: Không bao giờ là quá muộn

Ủng hộ các nạn nhân bị xâm hại lên tiếng tố cáo

Gần đây có nhiều vụ các em gái, phụ nữ lên tiếng tố cáo bị quấy rối, xâm hại tình dục. Đặc điểm chung của các vụ này là nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục trong một thời gian dài, trải qua các vấn đề về tâm lý, sau rất nhiều năm mới dám lên tiếng, thậm chí hàng chục năm. Câu hỏi dư luận hay đặt ra là “Tại sao bây giờ mới lên tiếng?” “Sao lên tiếng muộn như vậy?” “Những vụ sau hàng chục năm nạn nhân mới lên tiếng liệu có còn hiệu lực pháp lý”.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết: “Việc nạn nhân lên tiếng tố cáo tuy gợi cho chúng ta những cảm xúc buồn, tiếc và cả phẫn nộ. Nhưng đây cũng là chuyển biến tích cực và đáng mừng, bởi nạn nhân đã dũng cảm lên tiếng, như một sự khích lệ để những người rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng lên tiếng, không im lặng nữa. Thực tế đa phần nạn nhân im lặng là bởi những e sợ: Sợ bị đổ lỗi, trách cứ, sợ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, sợ bị nhìn bằng một ánh mắt khác,…. Khi bị bạo lực xâm hại tình dục họ cần người đứng bên, trợ giúp, nhưng lại sợ bị người khác vùi dập thêm.”

Từng là “người trong cuộc”, TS ngữ văn Nguyễn Thị Thanh Lưu chia sẻ, khi tôi là nạn nhân của quấy rối, xâm hại bà đã sợ hãi, cảm thấy là sự cố đáng xấu hổ của cuộc đời mình, không dám chia sẻ với ai ngoài chồng, lúc đó là người yêu là người nước ngoài.

“Sau 7 năm tôi gặp lại thủ phạm nhưng cảm thấy nỗi đau sống lại ngùn ngụt trong lòng tôi. Tôi rất thấu hiểu với các nạn nhân khi sau rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm mà nỗi đau vẫn còn đó", TS Lưu nói và giải thích thêm: “Việc tôi thích mặc trang phục khoe cơ thể khoẻ khoắn của mình, mặc bikini là vì tôi tự hào về cơ thể mình chứ không phải để mời gọi đàn ông tới quấy rối. Chỉ trong xã hội trọng nam quyền, phụ nữ mới bị coi là người phục vụ nam giới. Khi tôi chia sẻ câu chuyện bị quấy rối, có bạn tôi đã nói “Đàn ông nào mà chả thế!” – đấy là sự bình thường hoá hành vi quấy rối, xâm hại phụ nữ. Điều đó khiến cho tôi nghĩ rằng mình là người sai, đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều nạn nhân ngại ngần khi lên tiếng. Định kiến không chỉ “tiêm nhiễm” điều đó vào đầu đàn ông mà còn ảnh hưởng đến chính phụ nữ, khiến cho phụ nữ tự đổ lỗi cho bản thân mình.”

Nói về vấn đề “lên tiếng muộn” thì vấn đề pháp lý sẽ như thế nào, luật sư Nguyễn Hữu cho rằng, lên tiếng không bao giờ là muộn nhưng sớm sẽ tốt hơn. TS.Hoàng Tú Anh – chủ tịch GBVNET cho biết, trên 60% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực gia đình, nhưng chỉ có hơn 50% nạn nhân chia sẻ với người khác và chỉ 10% tìm đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. “Chúng ta hay dạy trẻ em gái, phụ nữ phải làm vợ, làm mẹ như thế nào, phải biết tự bảo vệ bản thân, nhưng lại không dạy cho trẻ em nam, nam giới phải tôn trọng phụ nữ, cách để thể hiện tình yêu thương với phụ nữ. Đã đến lúc thay đổi, hãy dạy thế hệ trẻ em của chúng ta biết dù là giới tính nào cũng cần xử sự văn minh”, TS.Hoàng Tú Anh nói.

Hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục - Đừng vội hỏi “Tại sao…?”

Khi một cá nhân lên tiếng về việc họ đã trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, điều mà họ sợ nhất là không được tin tưởng. Từ kinh nghiệm của mình, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ: “Khi nạn nhân tin tưởng và tìm đến mình, trước tiên chúng ta đừng hỏi “Tại sao?”, đừng đóng vai quan tòa, hay công an, bởi ở thời điểm đó, nạn nhân tìm đến mình là để tìm sự hỗ trợ, sự bảo vệ, sự lắng nghe chứ không phải phán xét hay tố cáo.

Điều duy nhất chúng ta nên nói là “Bạn không bao giờ một mình, sẽ luôn có những người đứng về phía bạn và tin tưởng bạn. Sau khi nạn nhân đã giảm bớt gánh nặng tâm lý thì mới nên thực hiện các bước hỗ trợ tiếp theo”. Cùng quan điểm này TS Hoàng Tú Anh cho rằng, nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể kéo dài rất lâu, thậm chí là 10 hay 20 năm và thực tế không thể phục hồi hoàn toàn. Những câu hỏi “Tại sao” mang tính đổ lỗi rất nặng nề, cần tuyệt đối tránh bởi nó có thể gợi lại những nỗi đau cho nạn nhân.

TS Thanh Lưu cũng đưa ra lời khuyên, việc bị xâm hại, quấy rối tuy để lại những nỗi đau, nhưng chắc chắn đó không phải lỗi của nạn nhân, không phải là sự xấu hổ. Khi không may trở thành nạn nhân, các nạn nhân hãy lên tiếng dù ở bất kì phạm vi nào, có thể là tố giác, cũng có thể là chia sẻ với những người thân thiết để giải toả và tìm kiếm sự đồng cảm, an ủi. Điều quan trọng là hãy cố gắng gạt bỏ đi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, đừng sống quá lâu với nó bởi điều này sẽ khiến cuộc sống của bạn đi xuống, cản trở bạn đến với những điều tốt đẹp ở tương lai. Hãy tìm ra những điều tích cực, những niềm vui khác để cân bằng cuộc sống của mình.

Là đại điện cho các tổ chức nghiên cứu và can thiệp hỗ trợ cho nạn nhân BLG TS. Hoàng Tú Anh cho hay: “Chúng tôi mong muốn chủ đề giáo dục giới tính, giáo dục tư pháp này được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời hệ thống pháp luật cần đưa ra cơ chế hỗ trợ thiết thực cho nạn nhân để nạn nhân không còn e ngại việc tố giác. Mỗi cá nhân hay tổ chức đều nên tự hào vì mình tham gia vào quá trình “Lên tiếng” thay vì nghĩ rằng việc này sẽ xấu hổ hay hạ thành tích”.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh