CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:51

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng trong đại dịch Covid-19

Việc giãn cách xã hội cùng những áp lực về tâm lý, sức khoẻ cũng như gánh nặng về kinh tế khi phải nghỉ việc không lương hoặc giảm mức thu nhập hàng tháng gây áp lực cho mỗi gia đình. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, sự lo lắng gia tăng và căng thẳng tài chính, sự khan hiếm các nguồn lực trong cộng đồng,… đã tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em ngày càng trầm trọng. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong khủng hoảng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau khi thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc vào tháng 5 năm 2020, số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng và số lượng phụ nữ và trẻ em tìm kiếm chỗ tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ vào năm 2019.

Kết quả nghiên cứu ở Hà Nội năm 2020 cho thấy tình trạng xung đột trong hôn nhân hầu như đại trà kể từ khi đại dịch bùng phát. Ước tính có khoảng 87,8% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tâm lý, 80,9% phụ nữ chịu hành vi kiểm soát và 59% phụ nữ đã từng bị bạo lực thể chất. Cứ 4 phụ nữ trong được hỏi thì có 1 người (25%) tiết lộ từng bị bạo lực tình dục. Gần một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực (45%) đã tìm kiếm sự giúp đỡ, mặc dù tìm kiếm giúp đỡ khó hơn rất nhiều trong thời gian phong tỏa. Một nửa số phụ nữ (51%) từng có ý định tự tử.

Đáng chú ý, phần lớn phụ nữ được phỏng vấn cho biết tất cả các hình thức bạo lực diễn ra thường xuyên hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 so với trước đây .

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, quá trình chuyển đổi từ văn phòng sang làm việc tại nhà diễn ra nhanh chóng ở phạm vi và quy mô lớn, điều này đã dẫn đến nhiều phát sinh đối với phụ nữ hơn so với nam giới. Việc thực hiện biện pháp giãn cách “ở nhà” để kiềm chế COVID-19 đã làm tăng thêm khối lượng công việc chăm sóc không được trả công vốn đã nặng của phụ nữ như kiểm soát việc học ở nhà của con cái, chăm sóc người cao tuổi, các thành viên bị ốm đau trong gia đình, nấu ăn,dọn dẹp nhà cửa,...

Nhìn chung, phụ nữ Việt Nam dành nhiều hơn nam giới trung bình hơn 12 tiếng/tuần để làm việc nhà. Trong thời gian đóng cửa trường học, phụ nữ thậm chí còn phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái và làm việc nhà không lương, điều này làm ảnh hưởng đến chính công việc tạo ra thu nhập cho họ.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh