THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:49

Chuyện ở cố đô của vương quốc Chămpa

 

Chung một họ để gắn bó nhau hơn 

Nhiều lần nghiên cứu về sự độc đáo và khác biệt của vùng đất này, ông Nguyễn Văn Bảo (Đại học Huế) cho rằng: “Dân tộc Trà có tinh thần đoàn kết trong họ tộc rất cao, thể hiện qua việc tất cả người thuộc tộc Trà đều lấy chung một họ”. Ông Trà Văn Bảo, một trong những người Trà cao niên lý giải: “Đặt chung một họ chính là sợi dây kết nối những người Trà chặt lại với nhau hơn. Ai cũng cảm giác như mình là anh, em một nhà vậy nên không bao giờ ganh ghét chửi đánh lẫn nhau.

Vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tháp Bà (ảnh minh họa)

Nhiều đời nay tất cả người họ Trà đều rất tự hào về điều này. Ai cũng xem đó là một sự thiêng liêng vậy”. Điều khiến nhiều người ngỡ ngàng là khi gặp khách lạ theo qui định phải có 2- 3 người Trà cùng có mặt, họ mới giao tiếp. Theo tập tục nếu có nói gì sai trái hay cần thêm sự giải thích thì đã có người quen cùng họ chứng kiến. Ngược thời gian vào những năm 875, Vua Indravarman II của vương triều Indrapura đã cho xây dựng tại làng Đồng Dương một tu viện Phật giáo (Vihara) đồ sộ và tráng lệ lấy tên là Laksmindra-Lokesvara để làm nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapara).

Trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại (875 - 1471), Phật viện Đồng Dương trở thành trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học của Đông Nam Á. Năm 982, vua Lê Đại Hành sau đi bình Chiêm thắng lợi đã đưa về nước vị sư Thiên Trúc (Ấn Độ) đang hành đạo thuyết giảng tại đây; năm 1301 vị Sư tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông cùng hàng trăm tăng sĩ Đại Việt cũng từng lưu lại ở đây để thuyết đạo. Và những người Trà cũng bắt đầu kéo về sinh sống quanh khu Phật viện này.

Gìn giữ truyền thống

Hiện ở Đồng Dương vẫn còn những công trình điêu khắc kiến trúc của tổ tiên tộc Trà như: Tháp Sáng, tượng Bồ Tát, tượng La Hán, tượng Thiên Thần Hộ Pháp, tượng thần Siva, tượng Phật Thích Ca. Trong đó Tượng Bồ Tát Ta Ra được khai lộ năm 1978 là bức tượng đẹp nhất, được là đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á.

Ngày nay, con cháu tộc Trà vẫn duy trì những tập tục đời sống đặc trưng mang dấu ấn văn hóa sót lại của người Chăm từng kiến tạo trên mảnh đất Quảng Nam. Theo gia phả tộc Trà, thuỷ tổ của tộc Trà là Trà Hoà Bố Để (có tài liệu viết là Trà Hoa Bồ Đề, là hậu duệ vua Chế Mân, con rể vua Chế A Nan), đức vua đời thứ 9 của vương triều Vijaya, đóng đô ở Đồ Bàn (Bình Định), được xem là vị tiền hiền đã khai sáng ra tộc Trà. Tộc Trà là cư dân gốc Chiêm Thành (người Quảng quen gọi là người Hời).

Tượng Phật Bồ Tát Tara (Laksmindra – Lokesvara) bằng đồng là tượng Phật bằng đồng đẹp nhất, đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á.

Hiện, nhiều phái, chi nhánh của tộc Trà được thành lập ở mọi miền của tổ quốc, và vươn xa ra ngoài biên giới, trong đó còn duy nhất 1 nhánh tộc Trà ở lại làng Đồng Dương-vùng đất gốc của dòng tộc. Ông Trà Tấn Tôn cho biết: “Thời trước không chỉ riêng làng Đồng Dương mà các cả vùng lân cận đều mang họ Trà. Số lượng rất đông, không đếm hết. Ngoài những nét đặc biệt, con cháu họ Trà còn lưu giữ được những phong tục tập quán của người Chăm như múa Apsara, thờ Phật, thờ thần thánh, cúng bái nơi tháp Thiêng, làm lúa khô, viết chữ Phạn nói tiếng Chăm”. Ông Trà Tấn Lợi (77 tuổi) và ông Trà Quang Thảng (76 tuổi) ở xã Điện Thọ (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) là những người đã bỏ nhiều công sưu tầm, nghiên cứu về tộc Trà để cho xây dựng một nhà thờ tộc Trà ở Việt Nam, đặt ở địa phương. Cứ 3 năm một lần, vào ngày 23/03 (âm lịch), ngày giỗ tổ tộc Trà Việt Nam lại được cử hành long trọng tại nhà thờ tộc Trà ở Điện Thọ.

HÀ ĐẠO-VĂN ÚT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh