Để phong trào khuyến học, khuyến tài lan tỏa
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:05 - 13/11/2016
Đến tham dự có Ông Nguyễn Văn Hanh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQ TP.Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phụ trách phía Nam; các Nhà báo, Nhà giáo lão thành; ông Dương Văn Đóa, Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam, Giám đốc Văn phòng Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tại phía Nam; các thành viên trong Đoàn Nhà báo Thái Lan sang thăm và làm việc tại Việt Nam do Ngài CHARAN RUNGMANEE, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kanchanaburi làm Trưởng Đoàn; các thầy cô giáo và các em học sinh; …
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hanh cho biết: “Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập cách nay 20 năm, là kết quả của sự ấp ủ tâm huyết đối với sự nghiệp trồng người của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như một số nhà giáo lão thành".
Trải qua 20 năm hoạt động, Hội KHVN đã qua 5 nhiệm kỳ Đại hội.
Nhiệm kỳ 1 do GS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, một nhà giáo tiêu biểu của nước ta làm Chủ tịch. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự.
Nhiệm kỳ 2 do ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Chủ tịch. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự.
Nhiệm kỳ 3 và 4 do ôngi Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Chủ tịch. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự cho đến khi Đại tướng qua đời.
Nhiệm kỳ 5 (2016 – 2021) do GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước làm Chủ tịch. ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự.
Hiện nay, Hội có hệ thống tổ chức từ Trưng ương xuống đến phường xã, kể cả ở các bộ, ban, ngành, cơ quan đơn vị, các họ tộc, các hệ phái tôn giáo ở khắp vùng miền trong cả nước, với gần 15 triệu hội viên.
Kể từ khi thành lập, Hội đã được Đảng, Nhà nước quan tâm; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên theo dõi chỉ đạo trực tiếp.
Tại Đại hội nhiệm kỳ 5 của Hội tổ chức ngày 22/9/2016, đã khẳng định: "Hội Khuyến học ra đời với nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện nhiệm vụ đó 20 năm qua được sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự quản lý và chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, sự hợp tác của Bộ, Ban, Ngành, các Hội có liên quan, Hội đã được những thành tích nổi bật: Có mặt ở hầu hết địa bàn dân cư trong cả nước với gần 15 triệu hội viên chiếm hơn 15% dân số, động viên nhân dân tham gia học tập ngày càng đông.
Đại hội ghi nhận những kết quả đã đạt được không chỉ trong nhiệm kỳ vừa qua (2010 - 2016) mà cả 20 năm tồn tại để chuyển sang một giai đoạn mới: Giai đoạn thực hiện Chủ trương học tập suốt đời, giai đoạn xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, như Đảng và Nhà nước chủ trương.
Nhiệm kỳ 5 của Hội Khuyến học là: “Đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Đại hội nhiệm kỳ 5 cũng khẳng định rằng: "Các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài đã góp một phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại các cộng đồng dân cư, giác ngộ người lao động về lợi ích và nghĩa vụ học tập suốt đời, nâng cao nhận thức cho nhân dân đối với việc học tập thường xuyên theo gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học.
Phong trào khuyến học đã thực sự trở thành phong trào rộng rãi trên khắp địa bàn dân cư trong cả nước, Hội Khuyến học đã phát huy được vai trò nòng cốt trong cuộc vận động nhân dân học tập theo tinh thần xã hội hóa giáo dục và đào tạo mà Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng".
Thời gian qua, Hội đã cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng 11.034 trung tâm học tập cộng đồng một thiết chế giáo dục rất cơ bản dành cho đối tượng chính là người lớn, một điều kiện không thể thiếu được để người dân trong cộng đồng tìm được cơ hội học tập thường xuyên cho mình.
Nhân tài Đất Việt là Giải thưởng Khuyến tài có tiếng vang lên – một giải thưởng mang tính xã hội cao nhất và lớn nhất về công nghệ thông tin ở Việt Nam. Việc tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt hàng năm đã được sự quan tâm, ưu ái của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hệ thống báo chí, thông tin và truyền thông của Trung ương Hội và Hội địa phương đã phát triển nhanh và đều khắp. Trung ương Hội có báo in, báo điện tử, hòm thư điện tử. "Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành Hội có tính đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước. Hội đã xác lập được vị thế của mình bằng những hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội hoạt động không có mục đích tự thân, mà vì sự nghiệp chấn hưng giáo dục, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà".
Phát biểu tại buổi lễ, Nhà báo Ngô Văn Hiền, Phó tổng biên tập, Trưởng Cơ quan Đại diện Tạp chí Dạy và Học ngày nay tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Tạp chí Dạy và Học ngày nay là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, diễn đàn thông tin khoa học, lý luận về giáo dục và đào tạo, khuyến học – khuyến tài của toàn dân.
Tạp chí có chức năng nhiệm vụ: Nghiên cứu và phổ biến các phương pháp dạy và học phục vụ phát triển xã hội học tập; Trao đổi kinh nghiệm dạy và học, đặc biệt là tự học; Giới thiệu các phương pháp dạy và học tiên tiến của các nước vào Việt Nam; Phản ánh toàn cảnh về hoạt động giáo dục và đào tạo, khuyến học – khuyến tài trong cả nước; Phản ánh mọi mặt hoạt động của xã hội.
Ngoài nhiệm vụ chính là hoạt động báo chí xuất bản, Tạp chí còn chủ động tham gia tích cực công tác xã hội - từ thiện để góp phần cùng toàn xã hội kịp thời động viên các đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi; các trường hợp bị thiên tai, bão lũ; vùng sâu vùng xa còn nhiều thiếu thốn, …
Với chức năng nhiệm vụ và tiêu chí như trên, Ban Biên tập cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên của cơ quan Tạp chí luôn cố gắng không ngừng nghỉ, vừa bảo đảm nội dung Tạp chí đúng tôn chỉ mục đích, vừa tạo đủ nguồn kinh phí hoạt động trong điều kiện tự hạch toán thu chi.
Để làm được điều đó, Ban Biên tập chủ trương “Lấy bạn đọc, cộng tác viên làm đòn bẫy, Lấy đối tác làm thước đo về hoạt động của mình”. Vì vậy, Tạp chí Dạy và Học ngày nay có một đội ngũ bạn đọc, cộng tác viên đông đảo gần 400 người ở hầu hết các vùng miền trên cả nước. Khi phát động làm sự kiện gì đều được đối tác cùng phối hợp tích cực. Qua đó, Tạp chí đã thường xuyên tổ chức các đợt trao quà, trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó hiếu học; học sinh, sinh viên khuyết tật, các đối tượng chính sách.
GS.TS Nguyễn Như Ý, Tổng Biên tập Tạp chí Dạy và Học ngày nay thường xuyên nhắc nhở và căn dặn anh em trong Tòa soạn là “Làm báo chí phải sáng về ngòi bút; Làm công tác xã hội - từ thiện phải sáng về tâm đức”.
Qua 14 năm hoạt động, Tạp chí Dạy và Học ngày nay từ chỗ ít người biết nay đã có hàng triệu triệu người biết, từ chỗ Tạp chí in xuất bản 1 kỳ/tháng nay xuất bản 2 kỳ/tháng, ngoài ra còn có Trang tin điện tử tổng hợp lan tỏa ra toàn thế giới. Tạp chí Dạy và Học ngày nay đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đưa vào danh mục những Tạp chí khoa học được tính điểm trong hệ thống đào tạo cao học.
Xuất bản ổn định, làm công tác xã hội – từ thiện công khai minh bạch. Đó là những thành quả của tập thể Cơ quan Tạp chí đã đạt được. Bằng thành quả đó, Tạp chí được Hội Khuyến học Việt Nam tuyên dương đơn vị thi đua xuất sắc và GS.TS Nguyễn Như Ý, Tổng Biên tập được Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào tặng thưởng Huân chương Lao động”.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức trao BẰNG TÔN VINH 20 NHÂN TỐ ĐIỂN HÌNH VÌ SỰ NGHIỆP KHUYẾN HỌC và TRAO 20 SUẤT QUÀ CHO HỌC SINH VƯỢT KHÓ HIẾU HỌC.
20 nhân tố điển hình là những đối tác đã đồng hành cùng Cơ quan Tạp chí làm công tác xã hội – từ thiện trong thời gian qua.
20 suất quà tặng các em học sinh vượt khó hiếu học là những em học sinh đang được Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Chùa Kỳ Quang 2 Quận Gò Vấp nuôi dưỡng. Mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng.
Cũng tại buổi lễ, các thành viên trong Đoàn Nhà báo Thái Lan sang thăm và làm việc tại Việt Nam do Ngài CHARAN RUNGMANEE, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kanchanaburi làm Trưởng Đoàn đã quyên góp ủng hộ Ban tổ chức 10.000 bath, để tặng học sinh, sinh viên vượt khó hiếu học.