Lễ hội K-pop 2016: Mới, lạ và nhiều trải nghiệm
- Văn hóa - Giải trí
- 22:04 - 09/04/2016
Ông Park Nark Jong, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, tại Lễ hội K-pop năm nay, những người yêu K-pop có dịp chiêm ngưỡng những sản phẩm làm bằng tay hoặc sưu tầm của các FC như đĩa nguyên gốc với chữ ký của thần tượng, tranh, ảnh, stickers, phụ kiện… từ ngày 3-10/4 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (Hà Nội) và từ ngày 22-24/4 tại sân trường Đại học Bách Khoa, TP Hồ Chí Minh. Điểm nhấn của Lễ hội là đêm nhạc hội với các phần trình diễn hoành tráng trên sân khấu của các FC, nhóm nhảy xuất sắc vào lúc 18h30 ngày 10/4 tại Golden Land Building, 275 Nguyễn Trãi (Hà Nội) cùng nhóm nhạc OPLUS và lúc 18h30 ngày 24/4 tại sân trường Đại học Bách Khoa (TP. Hồ Chí Minh) cùng với Thanh Duy Idol. Đặc biệt, tại đêm nhạc hội, bên cạnh phần thi của các FC, trong phần thi của các nhóm nhảy, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc sẽ lựa chọn một số thành viên trong các nhóm nhảy xuất sắc để gửi video tham dự Vòng loại Cuộc thi K-pop Thế Giới tại Hàn Quốc vào năm nay.
Mới, lạ và nhiều trải nghiệm thú vị là những gì mà BTC Lễ hội hứa hẹn sẽ dành cho những người Việt Nam yêu K-pop trong mùa lễ hội năm nay. Dự kiến Lễ hội K-pop 2016 sẽ thu hút khoảng hơn 10.000 người tham dự trải nghiệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ông Park Nark Jong cho biết “Tôi rất vui vì cùng đồng hành với cộng đồng yêu K-pop trong một sân chơi đầy màu sắc và năng động kể từ những ngày đầu tiên tôi đặt chân tới Việt Nam. Ở lễ hội này, tôi thấy được sức trẻ Việt Nam: nhiệt huyết và năng động. Tôi hy vọng Lễ hội sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình trong việc kết nối hơn nữa cộng đồng yêu K-pop Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa thế hệ những nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam và Hàn Quốc”.
Hiện nay Hàn Quốc đã có một thị trường về K-Pop (âm nhạc đại chúng Hàn Quốc) với nhiều ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng. Nhiều nghệ sĩ và nhóm nhạc đã xuất phát từ Hàn Quốc và đã trở nên nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới. Sự phổ biến của K-pop thường được xem là một phần của sự nổi lên của các Làn sóng Hàn Quốc, sự trỗi dậy mang tính phổ biến của văn hoá Hàn Quốc đương đại ở châu Á”. Trong lĩnh vực K-pop, Hàn Quốc đã có những chiến lược đầu tư cho một số ca sĩ, nhóm nhạc để quảng bá sang nước ngoài như: ca sĩ Bi - Rain, ca sĩ BoA, hay nhóm Wonder Girls... được thực hiện theo mô hình đào tạo của các nghệ sĩ quốc tế. Vì thế, các ca sĩ, nhóm nhạc đó còn hát tiếng Anh, hát những ca khúc đang thịnh hành. Nhóm Super Junior với mô hình ca sĩ kiêm vũ công, thay cho đoàn vũ công nên các ca sĩ vừa hát vừa kết hợp vũ đạo một cách tài tình... Theo số liệu do Cơ quan Phát triển Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) và Quỹ Giao lưu Văn hóa Quốc tế của Hàn Quốc, K-pop đã giúp các ngành mỹ phẩm, giải trí, du lịch và đồ uống của nước này mỗi năm thu nhập thêm hàng chục tỉ USD, và con số này đang ngày càng tăng.
Trong những năm gần đây, làn sóng văn hóa Hàn Quốc, trong đó có K-pop đã lan rộng tại các nước châu Á, Việt Nam xếp thứ 4 về mức độ yêu thích làn sóng văn hóa Hàn Quốc. Thời điểm những bộ phim như “Anh em nhà bác sĩ” (năm 1998), “Trái tim mùa thu” (1999)... được phát sóng trên truyền hình Việt Nam có thể coi là mốc mở đầu cho làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam. Ngoài ra, ở Đông Á, ngoài Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc chịu ảnh hưởng Nho giáo, chính vì vậy, cách suy nghĩ và nếp sinh hoạt của hai dân tộc khá gần nhau. Văn hóa trong phim Hàn Quốc rất gần gũi với văn hóa Việt Nam, đó là tôn ti trật tự, truyền thống gia đình. Và không thể phủ nhận trào lưu Hàn Quốc mà biểu hiện là K-pop đang góp phần là một sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên, trở thành một trong những kênh để các bạn trẻ thể hiện tài năng của mình.