THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:03

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Hội tụ tinh hoa đại ngàn

Tôn vinh xứ sở cà phê

Trước khi bước vào đêm khai mạc, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề: “Thời gian lịch sử và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Triển lãm đã trưng bày 191 hiện vật, 143 hình ảnh, 23 tư liệu, bản trích, 57 sơ đồ, bản đồ và hơn 40 câu chuyện của nhân chứng. Buổi triển lãm đã giới thiệu rộng rãi đến nhân dân, đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh hiểu sâu sác hơn về trận đánh Buôn Ma Thuột -  Trận đánh mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, động viên nhân dân, đồng bào các dân tộc khi đến tham quan lễ hội. Hầu hết các chương trình diễn ra trong lễ hội đều nhằm đến một mục đích chủ đạo là tôn vinh con người và những giá trị của cà phê. Cà phê có mặt tại Buôn Ma Thuột khoảng trên 100 năm và địa danh này trở thành chiếc nôi của nghề trồng cà phê tại Việt Nam. Nhắc đến cà phê Buôn Ma Thuột, người ta nhắc đến màu sóng sánh vàng cánh gián đậm và hương vị thơm ngất ngây. Đây là nét đặc trưng của cà phê Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, cách chế biến cà phê rất công phu: hạt được tách bỏ vỏ tương tự như tách trấu khỏi hạt gạo, sau đó ngâm rửa phơi sấy cho đến khi độ ẩm còn khoảng 10-12% và đánh bóng để tạo hạt đẹp. Chế biến khô theo phương pháp truyền thống: Hạt cà phê thu hoạch xong rửa sạch rồi trải ra phơi 2-3 tuần trước khi cho vào máy bóc tách vỏ. Cách này giữ nguyên vị cà phê, cho chất lượng tốt hơn... Tất cả những điều này sẽ được những đôi tay khéo léo của những người trồng cà phê trình diễn trong lễ hội năm nay. 

Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện chương trình “Du lịch cà phê”, “cà phê voi”... Đây là một chương trình độc đáo trong Lễ Hội, du khách tham gia tour du lịch cà phê có thể tự mình thưởng lãm vẻ đẹp của vườn cây cà phê vào mùa trổ hoa kết trái, tìm hiểu quy trình sản xuất, chăm sóc cà phê, tự chế biến cà phê rang xay, thưởng thức hương vị cà phê nguyên chất. Đặc biệt thông qua phiên dịch viên, người trồng cà phê sẽ trực tiếp được đối thoại với các du khách, các tổ chức quốc tế. Theo Ban tổ chức: “Đây không chỉ là sự kiện quan trọng của tỉnh Đắk Lắk mà còn là của ngành cà phê Việt Nam, của hàng triệu con người đang từng ngày gắn bó với cây cà phê. Thông qua lễ hội, sẽ từng bước khẳng định vị thế của thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới...”. Với đặc tính sẵn có của cây cà phê và xu hướng phát triển nông nghiệp thân thiện, hài hòa với môi trường, với cộng đồng, thì cây cà phê là một biểu tượng cho khái niệm phát triển nông nghiệp bền vững. “Huyền thoại xứ núi”, “Lịch sử cà phê”, “Những nẻo đường hoa”…trong đêm khai mạc đều nhằm đến tôn vinh con người và xứ sở cà phê. 

           Những dấu ấn độc đáo

    

Từ đầu năm 2014  cà phê voi do Công ty TNHH Cà phê Cao Nguyên Việt, có trụ sở tại thôn Hữu Nghị, xã Ea Đar, huyện Ea Kar đầu tư công nghệ rang xay, và đến tháng 3 /2015 này cho ra những sản phẩm đầu tiên, được thị trường trong và ngoài nước. Khác với nhiều loại cà phê từng xuất hiện tại Việt Nam, để thu được 1kg cà phê voi thành phẩm, cần 30-33 kg cà phê quả tươi (100% quả chín) kết hợp với chuối, dứa, mía, sữa để làm thức ăn cho voi. Đây được xem là bước đột phá của thương hiệu cà phê Việt đem nét độc đáo của nền văn hóa Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế và chỉ có ở Lễ Hội lần này. Rồi, trong cái se lạnh của phố núi, thành phố của nắng và gió như  lung linh, quyến rũ hơn trong không khí  tưng bừng với một Lễ Hội cà phê lớn nhất Việt Nam, mỗi ngày diễn ra Lễ Hội sẽ là một ngày đặt dấu ấn khó phai trong lòng người tham dự cũng như du khách với hàng triệu ly cà phê miễn phí ở hơn 85 điểm bán cà phê. Nhằm truyền tải đến người tham dự Lễ Hội một cách hiệu quả nhất những kiến thức về cà phê. BTC sẽ lồng ghép nhiều chương trình theo hình thức: Khoa học – nghệ thuật và hiệu quả. Ngay sau khi khai mạc với chủ đề “Lắng đọng cà phê”, ly cà phê lớn nhất thế giới sẽ được trình diễn gây ấn tượng cho hàng triệu du khách cùng người tham quan. Ngoài các nghệ sỹ, ca sỹ chuyên nghiệp, lần đầu tiên gần 400 nghệ sỹ, diễn viên không chuyên là người dân tộc tham gia biểu diễn  những chương trình ca múa nhạc phục vụ cho lễ hội, qua đó tôn vinh thêm mảnh đất và con người xứ sở cà phê, thể hiện sự đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên. Những chú voi nặng trung bình 1500 kg đeo trên mình những nhãn hiệu  cà phê nổi tiếng diễu hành trên khắp đường phố Buôn Ma Thuột như những diễn viên thực thụ trên sân khấu, cũng được xem là một tiết mục để lại dấu ấn khó phai trong lòng du khách. Cùng với đó lần đầu tiên 40 trò chơi dành cho nông dân trồng cà phê 5 tỉnh Tây Nguyên cũng được long trọng tổ chức. Đồng thời nhiều hội thảo chuyên sâu về cà phê cũng được tổ chức nhằm tìm ra hướng phát triển bền vững cho cây cà phê.

 

 

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh