Lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Y học 360
- 12:14 - 27/11/2020
Ngày 25/11 tại tỉnh Tiền Giang, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Tham vấn điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL.
Chủ trì Hội nghị có: Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng); ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe những báo cáo về Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL như: Khó khăn, vướng mắc và sự cần thiết điều chỉnh; định hướng phát triển hạ tầng cấp nước sạch trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030; giải pháp nước thô vùng và đề xuất nội dung điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL.
Trước đó, ngày 8/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2140/QĐ-TTg về việc Phê duyệt cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa nội dung định hướng cấp nước trong quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL; xây dựng công trình cấp nước quy mô liên vùng; nâng cao dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn; từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý, sản xuất và kinh doanh nước sạch.
Các nhà máy nước trong vùng ĐBSCL sẽ chia 3 vùng: Vùng I (Bắc sông Tiền) Nhà máy nước Sông Tiền 1 (Cái Bè -Tiền Giang) cấp nước cho các tỉnh: Tiền Giang, Long An và 1 phần tỉnh Đồng Tháp; vùng II (giữa sông Tiền và sông Hậu) Nhà máy nước Sông Tiền 2 đặt tại khu vực Vĩnh Long cấp nước cho tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và 1 phần còn lại của tỉnh Đồng Tháp; vùng III (Tây Nam sông Hậu) gồm nhà máy sông Hậu 1, sông Hậu 2, sông Hậu 3 cấp nước cho các tỉnh còn lại của ĐBSCL.
Một số tỉnh như Long An đã căn cứ trên cơ sở Quy hoạch 2140/QĐ-TTg để triển khai việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng tỉnh; các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang căn cứ vào một số giải pháp đề xuất trong quy hoạch để triển khai xây dựng hồ, đập trữ nước, xử lý nước lợ thành nước ngọt…
Tuy nhiên, diễn biến quá nhanh và phức tạp của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn khiến vài vị trí của một số nhà máy theo quy hoạch nguồn nước đã bị nhiễm mặn trong mùa khô năm 2019-2020; khó khăn trong bố trí và huy động vốn, chi phí giá thành nước ngọt khá cao… Vì vậy cần phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp như: Điều chỉnh vùng cấp nước còn 2 vùng: Vùng I (Đông Bắc sông Hậu) gồm 6 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh); vùng II (Tây Nam sông Hậu) gồm 7 tỉnh: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Bổ sung một số hạng mục như: Công trình dẫn nước thô cho vùng I, II; truyền dẫn nước thô hoặc nước sạch nguồn nước sau đập Cái Lớn, Cái Bé cung cấp cho 1 phần tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang; Bổ sung công trình cấp nước ứng dụng công nghệ xử lý nước mặn, lợ.
UBND 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre đã đưa ra các giải pháp truyền nước thô cho vùng I, II và đề xuất điều chỉnh quy hoạch cấp nước theo bối cảnh chung của vùng ĐBSCL đáp ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và các tác động từ thượng nguồn sông Mekong; giải quyết vấn đề còn tồn đọng trong thực hiện Quy hoạch 2140/QĐ-TTg: Nguồn vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng, giá nước…
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận một số giải pháp phát triển hạ tầng cấp nước cho các nhà máy nước cấp vùng. Đa số đại biểu bày tỏ mong muốn Dự án sớm triển khai và đưa vào hoạt động, góp phần bảo đảm hạ tầng ổn định, nâng cao sức khỏe người dân, thu hút đầu tư…
Theo báo cáo, diễn biến mùa khô mặn năm 2019-2020 ở ĐBSCL đến sớm, gay gắt và kéo dài, vượt qua cả mùa khô năm 2015-2016. Theo các địa phương vùng ven ĐBSCL, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 96.000 hộ dân (430 ngàn người thiếu nước sinh hoạt).