CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

An Giang: Triển khai phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cho mùa khô

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông thiếu hụt từ 30 - 40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Kông cũng đang ở mức rất thấp. Trong đó, Biển Hồ tại Campuchia, nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước.

Trước tình hình đó, Tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, thống kê hiện trạng nguồn nước sinh hoạt cho từng hộ dân ở từng khu vực như: Tuyến, cụm, điểm; khóm, ấp; xã, phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung và đang sử dụng nước từ giếng, thiết bị chứa nước mưa, nước từ kênh rạch... đặc biệt là ở vùng cao thuộc huyện Tri Tôn, Tinh Biên và ở Thoại Sơn để phối hợp với Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có giải pháp, phương án cấp nước cho phù hợp trong thời gian tới.

An Giang: Triển khai kế hoạch và phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cho mùa khô - Ảnh 1.

Hạn hán kéo dài khiến nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước nghiêm trọng.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, lồng ghép vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn năm 2021 và khuyến cáo người dân tăng cường thăm đồng, kết hợp kiểm tra các vùng sản xuất có khả năng bị ảnh hưởng do hạn, mặn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương, cơ quan liên quan và người dân vùng ảnh hưởng để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt để xây dựng các giải pháp và phương án cảnh báo, ứng phó khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt phù hợp, nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất do khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.

XT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh