CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:12

“Lấy tự học làm cốt” lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại 4.0

Người đặc biệt coi trọng vai trò của việc tự học, lấy tự học làm cốt yếu, cốt lõi để có động lực và quyết tâm học tập.

Người đặc biệt coi trọng vai trò của việc tự học, lấy tự học làm cốt yếu, cốt lõi để có động lực và quyết tâm học tập.

“Lấy tự học làm cốt” để phát triển bản thân 

Khi tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản được tổ chức tại Thủ đô Mát-xcơ-va (Nga) vào tháng 8-1935, Bác ghi trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”(1947), khi nói về cách học tập, Người viết: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Như vậy, Người đặc biệt coi trọng vai trò của việc tự học, lấy tự học làm cốt yếu, cốt lõi để có động lực và quyết tâm học tập. Để minh chứng cho lời dạy này, trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, Người vừa lao động, vừa tìm mọi cách và tận dụng mọi lúc, mọi nơi để tự học, nhất là học tiếng nước ngoài. Hằng ngày, Người viết những từ mới vào mảnh giấy, dán vào chỗ hay nhìn thấy nhất, có khi viết lên cánh tay để khi vừa làm vừa nhẩm học, đến khi chữ mờ hết thì cũng đã thuộc. Khi đi đường, Người cũng nhẩm bài học. Ban đêm, khi chưa ngủ, Người lấy tay viết mò những chữ khó xuống chăn cho kỳ nhớ mới thôi. Với tinh thần tự học chăm chỉ và bền bỉ, Người thông thạo rất nhiều thứ tiếng như Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Ý, Đức, Thái Lan...

Bên cạnh việc nhấn mạnh lấy tự học làm cốt, Người còn nhận thấy tự học cần phải thường xuyên và liên tục để cập nhật kiến thức, để bắt kịp với thời đại. Trong cuốn Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 9, tr. 554, có đoạn trích lời của Người như sau:  “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Hay trong buổi nói chuyện với sinh viên tại Trường Đại học Pátgiagiaran (In-đô-nê-xi-a) năm 1959, Bác kể: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường đại học. Tôi đi du lịch và làm việc, đó là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó dạy cho tôi cách yêu, cách ghét, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ, hòa bình và căm ghét áp bức, ích kỷ… Trường học ấy đã dạy tôi khoa học quân sự, lịch sử và chính trị…” (Trích Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh. NXB Khoa học xã hội, 1990, tr. 80).

 

Năm 1961, nói chuyện với các cán bộ hoạt động lâu năm, Bác tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học…không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm… Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt.  Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. (Trích Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 1996, tr. 465.)

Có thể nói, với Người còn sống là còn phải tự học một cách miệt mài và chăm chỉ để phát triển bản thân. “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG, H.1996, tập 8, tr. 215.). Và cuộc đời của Người đã minh chứng rõ nét cho tất cả điều đó.

Vẫn còn nguyên giá trị

Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ thông tin, đã qua rồi mô hình học tập thầy giảng - trò nghe, đã qua thời phải cắp sách đến trường mới có được “con chữ”... Chuyển đổi số mạnh mẽ đã giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều nền tảng, công cụ để học mọi lúc, mọi nơi một cách dễ dàng và rút ngắn khoảng cách giáo dục. Chính vì lẽ đó, lời dạy của Người một lần nữa cần được nhắc nhở, in sâu vào tiềm thức của học sinh, sinh viên để các bạn trẻ luôn ý thức được tầm quan trọng của việc tự học. Nếu như trước đây, việc tự học chỉ đơn thuần là trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực học tập, để có thể thi cử đỗ đạt điểm cao thì ngày nay tự học còn là yếu tố then chốt để nâng cao nhiều kỹ năng thiết yếu cần có trong thời đại 4.0 như: Phát triển kỹ năng tự lập, tự giải quyết vấn đề: Qua việc tự học, mỗi em học sinh sẽ học cách tự điều chỉnh, tự đặt mục tiêu và tự kiểm soát quá trình học tập. Điều này không chỉ phát triển khả năng tự lập và tự quản lý - kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống và công việc sau này. Tự học còn phát triển thêm kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh bằng cách khuyến khích các em tìm ra cách tốt nhất để học.

Học sinh Việt Nam hoàn toàn có thể tự học mọi lúc, mọi nơi để trau dồi kiến thức.

Học sinh Việt Nam hoàn toàn có thể tự học mọi lúc, mọi nơi để trau dồi kiến thức.

Thích nghi trong mọi hoàn cảnh: Trong thế kỷ 21, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Kỹ năng, kiến thức cần thiết hôm nay có thể đã không còn hiệu quả ngày mai. Nhưng nếu học sinh biết cách tự học, các em có thể tự mình cập nhật kiến thức và kỹ năng để thích nghi trong mọi hoàn cảnh.

Khám phá bản thân, khơi dậy sự tự tin: Khi tự học, các em học sinh còn có thể tự khám phá ra những sở thích và đam mê mới. Điều này không chỉ giúp các có thêm động lực và đam mê để học tập mà còn tăng thêm sự tự tin, từ đó giúp các em dễ dàng đạt được thành tựu trong học tập.

Ngoài những lợi ích trên, tự học là “chất xúc tác” để mỗi cá nhân học sinh, sinh viên góp phần nâng cao ý thức học, nhằm xây dựng xã hội học tập theo Đề án 1373 của Thủ tướng chính phủ.

Thấu hiểu được tầm quan trọng nâng cao năng lực tự học cho học sinh Việt Nam cũng như mong muốn học sinh luôn “lấy tự học làm cốt” như lời Bác dạy, tổ chức The Vietnam Foundation đã hợp tác cùng Khan Academy để đem đến nền tảng học tập chủ động, hiệu quả và hoàn toàn miễn phí cho học sinh.

Thông qua nền tảng học tập này, hàng triệu học sinh Việt được tiếp cận với kho học liệu chuẩn quốc tế đa dạng và đầy đủ môn học từ Toán, Khoa học, luyện thi SAT, chương trình học AP, Khóa học Máy tính, Khóa học kỹ năng mềm (An toàn Internet, Phát triển tư duy…)... Học sinh Việt Nam hoàn toàn có thể tự học mọi lúc, mọi nơi để trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực học tập và phát huy được thế mạnh của bản thân. 

Mai Huệ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh