THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:27

Đo lường nghèo đa chiều trẻ em:Lấy trẻ em làm trung tâm

 

Đo lường nghèo đa chiều trẻ em là điều kiện để phát triển nguồn lực

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Đến nay các địa phương đã hoàn thành rà soát nghèo đa chiều với mục tiêu mở rộng đối tượng bao phủ, bổ sung các chỉ số đo lường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp với thực tế và cách tiếp cận mới... “Chính sách cần đi trước một bước để tác động một cách toàn diện. Trong các nguyên nhân của nghèo đói, hạn chế về nguồn nhân lực là nguyên nhân cơ bản, lâu dài nếu không giải quyết thì vòng nghèo đói không triệt để. Trẻ em là bộ phận quan trọng nhất của đất nước. Đo lường nghèo đa chiều trẻ em là điều kiện để phát triển nguồn lực của đất nước. Vì vậy, cần xây dựng các chỉ số đo lường phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, cụ thể hóa, lựa chọn vấn đề ưu tiên nghèo đa chiều trẻ em để xây dựng hệ thống đo lường mang tính độc lập với nghèo quốc gia, đồng thời sớm nghiên cứu các gói trợ giúp trẻ em trong hộ nghèo về dinh dưỡng, giáo dục, chăm sóc y tế...”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.

Trẻ em nghèo vẫn chịu nhiều thiệt thòi.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khu vực đã xây dựng phương pháp tiếp cận về nghèo đa chiều trẻ em vào năm 2008 với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF và trường Đại học Maastricht. Hệ thống gồm 15 chỉ số, 8 chiều được xác định, bao gồm: Giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, lao động trẻ em, giải trí, sự tham gia và bảo vệ. Phương pháp tiếp cận mới được xây dựng để đo lường nghèo đa chiều trẻ em sử dụng bộ dữ liệu quốc gia từ Điều tra mức sống hộ gia đình.

Để lồng ghép nghèo đa chiều trẻ em vào hệ thống đo lường nghèo đa chiều quốc gia, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã nghiên cứu, rà soát các văn bản, cơ chế chính sách liên quan đến giảm nghèo, y tế, giáo dục, dinh dưỡng, nhà ở, tiếp cận thông tin, nước sạch vệ sinh, an sinh xã hội…. Đây là việc làm quan trọng, qua đó sẽ hướng tới hài hòa nghèo đa chiều trẻ em và nghèo đa chiều chung. Từ đó, thể chế hóa nghèo đa chiều trẻ em trong hệ thống giám sát nghèo đa chiều quốc gia...  Tập trung nghiên cứu về thực trạng các vấn đề liên quan đến trẻ em, nghèo trẻ em, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước. Đề xuất các chính sách phù hợp hướng tới thực hiện Luật trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em, làm cơ sở điều chỉnh các chiều, chỉ số đo lường nghèo đa chiều trẻ em hài hòa với hệ thống đo lường nghèo đa chiều chung của Việt Nam.

  Trẻ em cần được trực tiếp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù

Công tác giảm nghèo được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Các chính sách và chương trình giảm nghèo hiện nay đều có sự chi phối của các chương trình lớn: Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020; CTMTQG về Phát triển Kinh tế - Xã hội của các Xã đặc biệt khó khăn tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi; CTMTQG về Giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 và Nghị quyết 30a về Giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo. Qua phân tích về các hợp phần của các dự án trong các chương trình thấy có sự chồng chéo đáng kể trong các hoạt động của các chương trình khác nhay, có những hợp phần tương tự như nhau như hỗ trợ sản xuất, giáo dục, cho vay vốn... Các hình thức hỗ trợ của các chương trình giảm nghèo cũng rất phong phú nhưng chưa có một cách tiếp cận rõ ràng trong các can thiệp giảm nghèo cho trẻ em.

Trẻ em nghèo ở mỗi vùng miền cần có những chính sách hỗ trợ khác nhau.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một văn bản nào thể hiện rõ quan điểm tiếp cận về giảm nghèo cho trẻ em. Khả năng tiếp cận của trẻ em với các chính sách hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Ví dụ như chính sách cấp thẻ BHYT khi khám chữa bệnh không phải trả tiền cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em thuộc các hộ nghèo, trẻ em thuộc hộ cận nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế thì danh mục thuốc không phải trả tiền rất ít và nhu cầu chữa bệnh lại phải sử dụng nhiều loại thuốc nằm ngoài danh mục đó, do vậy trẻ em có thẻ BHYT vẫn phải chi một khoản tiền rất lớn vượt quá khả năng của các hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Bên cạnh đó là chi phí đi lại, ăn nghỉ trông coi bệnh nhân là trẻ em. Vì vậy việc tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng vẫn là một rào cản lớn đối với nhóm trẻ em nghèo, trẻ em cư trú ở những vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cần xây dựng một chương trình giảm nghèo thống nhất trong đó tích hợp, lồng ghép các chính sách giảm nghèo ngay ở cấp Trung ương. Phải có một cách tiếp cận nhất quán về nghèo trẻ em. Cách tiếp cận này đảm bảo trẻ em được tính đến như là một đối tượng trực tiếp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù. Tránh tình trạng hầu hết các hỗ trợ cho trẻ em hiện nay đều được xác định trên cơ sở tiêu chí chính là hộ nghèo về thu nhập. Nhóm trẻ em trong nhóm tuổi từ 11-16 tuổi sống trong các gia đình nghèo hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thường có nguy cơ phải nghỉ học để làm việc kiếm sống. Các chính sách làm tăng tỷ lệ đến trường, không phải bỏ học của trẻ em trong độ tuổi này sẽ góp phần đáng kể trong giảm tình trạng nghèo trẻ em. Vì vậy, các chỉ số cần hướng tới việc đánh giá tình trạng bỏ học của trẻ em. Cách tiếp cận “một hình thức hỗ trợ phù hợp cho tất cả” trong vấn đề nghèo trẻ em đã không còn hiệu quả và cần được thay thế bằng các chính sách có tính chuyên biệt. Ngôn ngữ, thói quen, văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh, các giá trị dân tộc ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức và hành vi của người lớn và ảnh hưởng đến phúc lợi của trẻ em dân tộc thiểu số. Với những khác biệt như trên giữa các dân tộc, các vùng miền thì nếu chỉ áp dụng chung một biện pháp giảm nghèo, sự tham gia và lợi ích nhận được giữa các dân tộc sẽ khác biệt.

Vân Khánh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh