Chương trình “Sữa học đường” cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:08 - 13/07/2016
Chương trình đặt ra các chỉ tiêu đến năm 2020, 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình “Sữa học đường”; chiều cao của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010...
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại lễ tiếp nhận 1 triệu ly sữa do Cty TH True Milk tài trợ
Để đạt được các chỉ tiêu trên, một trong các giải pháp thực hiện của chương trình là ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình “Sữa học đường đến năm 2020”; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình “Sữa học đường”.
Bên cạnh đó, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững của Chương trình “Sữa học đường”, đặc biệt tại các huyện nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình “Sữa học đường” theo quy định hiện hành. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp để thực hiện Chương trình “Sữa học đường”.
Chương trình "Sữa học đường" góp phần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em lứa mẫu giáo và tiểu học
Giải pháp tiếp theo là truyền thông vận động và thông tin giáo dục truyền thông. Theo đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp chính quyền về nhận thức vai trò, tầm quan trọng của Chương trình “Sữa học đường” nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện.
Tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, bố, mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi; đa dạng loại hình, phương thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng và vùng miền; kết hợp truyền thông giáo dục dinh dưỡng với giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.
Cùng với các giải pháp trên là giải pháp kỹ thuật. Cụ thể, đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ cho đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia Chương trình “Sữa học đường” trong quá trình uống sữa, kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình cho trẻ em uống sữa; theo dõi, giám sát việc triển khai và đánh giá hiệu quả của Chương trình “Sữa học đường”.