Lấy phòng ngừa làm trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm
- Dược liệu
- 12:29 - 09/09/2020
Các giải pháp thiết thực hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng
Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục nghiên cứu xây dựng pháp lệnh phòng chống mại dâm để nâng thành Luật phòng chống mại dâm, với trọng tâm là phòng ngừa là chính; tăng cường xây dựng các chính sách nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế.
Quan điểm việc phòng chống mại dâm phải tuân theo Hiến pháp, đảm bảo thực hiện quyền công dân và quyền con người. Hơn nữa, cách Việt Nam nhìn nhận về hoạt động mại dâm cũng phải theo xu hướng thế giới.
Đồng thời, tăng cường xây dựng các thể chế để bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế trong xã hội, như: người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm vào hệ thống an sinh xã hội. Từng bước xã hội hóa, xây dựng cơ chế chính sách; huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội (gia đình, nhà trường) vào công tác phòng ngừa mại dâm.
Chương trình phấn đấu hết năm 2020, đạt 100% các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo đó, UBND các cấp phải đưa công tác phòng chống mại dâm là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác phòng chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như: Xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người. Ưu tiên nguồn lực cho các khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Đồng thời, có các giải pháp thiết thực hỗ trợ người hoạt động mại dâm hòa nhập cộng đồng, đảm bảo các quyền cơ bản, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng để họ được tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt là cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống hòa nhập xã hội.
Các giải pháp thực hiện phòng, chống mại dâm:
Hoàn thiện thể chế: Rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mại dâm. Đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc xây dựng hoạt động can thiệp giảm hại, phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật về phòng ngừa mại dâm, đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này. Tổ chức nghiên cứu, khảo sát tình hình hoạt động tội phạm liên quan đến mại dâm và tìm hiểu chính sách pháp luật tại một số nước có nhiều nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán để xác định cơ quan đầu mối và cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc liên quan đến mại dâm, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bắt giữ tội phạm trong các vụ việc mua bán người vì mục đích mại dâm.
Tổ chức thực hiện: Các cấp ủy Đảng phải đưa chương trình phòng, chống mại dâm vào văn kiện, nghị quyết và chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện;
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống mại dâm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả phòng, chống mại dâm ở địa phương, đơn vị.
Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết về công tác phòng, chống mại dâm, yêu cầu Ủy ban nhân dân báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp…
Ủy ban nhân dân các cấp phải đưa công tác phòng, chống mại dâm là một trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;…
Duy trì chế độ kiểm tra, đánh giá, sơ kết tổng kết ở các cấp nhằm rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành và nhân rộng các mô hình, phương pháp, giải pháp có hiệu quả cao.
Đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường chỉ đạo, tổ chức các hoạt động giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm của các ngành và chính quyền các cấp.
Giải pháp về nguồn lực: Tập trung kinh phí của Nhà nước để thực hiện các hoạt động trọng điểm, ưu tiên; khuyến khích sự tham gia, đóng góp nguồn lực của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm, đặc biệt là công tác dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Giải pháp hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng hợp tác với các nước láng giềng trong công tác phòng, chống mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm. Thực hiện các nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của mại dâm trong phát triển kinh tế - xã hội, học tập, áp dụng các mô hình hiệu quả của quốc tế trong phòng ngừa mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em.
Giải pháp về tuyên truyền: Huy động sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục về hành vi tình dục an toàn, lối sống chung thủy, lành mạnh cho các nhóm dân cư.
Phối hợp hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tình dục an toàn, hạn chế nguy cơ bị mua bán, bị ép buộc làm mại dâm của người lao động khi di cư, tìm kiếm việc làm.