THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:33

Lập nghiệp giữa lòng hồ

Xóm vô danh trên mặt hồ

Cho đến giờ, người dân vùng lòng hồ thuỷ điện Na Hang (huyện Na Hang, Tuyên Quang) vẫn chưa thể nào quên cảnh trù phú của quê hương mình. Có người còn rơm rớm nước mắt, có người lại say sưa, hào hứng kể về chốn ấy y như người tha phương ngẫm về cố hương vậy. Còn anh bạn tôi thì ngậm ngùi, nhớ lắm chứ, nóng ruột nóng gan lắm chứ, nhưng cũng chẳng như quê hương để mà về, bởi quê hương đã chìm dưới lòng hồ mất rồi. Những “di tích” còn xót lại của quê hương chỉ là những ngọn cây nhô trên mặt nước và trong ký ức mỗi người mà thôi...

Đó là năm 2006, sau khi kế hoạch di dân hoàn thành, các ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang mới cho xả nước để nhà máy thuỷ điện Na Hang đi vào hoạt động. Nhưng sự đổi thay cũng từ đó mà thành...

“Xóm nhà bè” ở lòng hồ thủy điện Na Hang.

Lòng hồ này như thế nào, có hay không một sự hồi sinh mới? Câu trả lời là “có”. Để minh chứng cho điều này, ông Nhữ Ngọc Dưỡng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Na Hang đã mượn chiếc thuyền nhỏ, đưa tôi xuống mặt hồ. Trước hết thuyền cập mạn hộ ông Phạm Văn Oanh. “Nhà” của ông Oanh sát mép phía tây của hồ thủy điện, nói là “nhà” nhưng thực chất là những tấm gỗ vách nứa ghép lại, phía dưới có những thùng phuy, xốp và luồng làm “móng nổi”. “Nhà dù có chắc nhưng vẫn cứ chòng chành, dân sông nước là vậy chú ạ. Lên bờ sống không nổi, nhớ sóng như ri chịu sao được” - ông Oanh nói.

“Như ri”, nghe ông Oanh nói giọng lạ khác người bản địa, tôi gặng hỏi, ông cũng thật thà rằng: “Chúng tôi là ngư dân gốc xã Vĩnh Lợi (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), cả cuộc đời chúng tôi sống dưới nước, lênh đênh hết sông Lô đến sông Gâm. Cái nghề này giờ lại truyền cho các con các cháu, mình “neo” lại lòng hồ này để mưu sinh coi như đây là duyên phận”. Thấy bà Trần Thị Cương (vợ ông Oanh) đang vãi thóc cho gà ăn. Tôi hỏi: “Bà có định ở đây lâu dài không mà nuôi cả chó lẫn gà trên bè cá?” - Bà Cương bảo: “Xác định “neo” lại chốn này thì mới làm thế chứ, an cư mới lạc nghiệp mà”.

Tôi nhẩm đếm, chỉ có hơn chục người từ già tới trẻ trong “ngôi nhà” của ông Oanh. Mấy thế hệ, anh em đều làm nghề chài lưới “gia truyền”, vừa rồi nhà ông Oanh có đứa con trai lấy vợ rồi tách khẩu lập thêm một gia đình mới. Nói là tách khẩu nhưng thực ra họ vẫn sống chung trên một mảng bè, cùng ăn uống sinh hoạt và làm việc với nhau.

Công việc gia đình ông Oanh vẫn làm hàng ngày là chài lưới. Cứ bảnh mắt là bố con vợ chồng chia nhau, 2 người một thuyền tung hoành khắp lòng hồ thủy điện, cá to cá nhỏ, tôm tép, ốc cua được họ thu về. Ngày nhiều, ngày ít, có ngày trắng tay, nhưng họ bảo, ở lòng hồ này vẫn sướng hơn “du mục” trên các dòng sông, các sông giờ bị ô nhiễm ghê lắm, chẳng có cái gì để bắt, để đánh, chưa kể mưa gió ốm đau, chẳng biết lối nào mà thuốc thang cả. Nếu ai đó có ý định đếm xem có bao nhiêu ngôi nhà trên mặt hồ này, thì xem đó là ý định “mò kim đáy biển”. Bởi, các mảng bè chỗ thì sát chéo nhau, chỗ lại tách biệt đến cả cây số, chỗ thì neo đậu ở nhánh sông, chỗ khuất gió, chỗ thì nay ở nơi này mai ra nơi khác. Nhân khẩu sống trên lòng hồ là bao nhiêu cũng chưa có con số thống kê chính xác, hiện giờ người ta chỉ có thể áng chừng trên dưới trăm hộ gì đó.

Cũng bởi thế, người ta dành cho người dân trên mặt nước này cái tên gọi là “xóm vô danh”, “xóm nhà bè”. Gọi là xóm nhưng không hề có tổ trưởng, đồng nghĩa với việc chưa có tên trong bản đồ hành chính địa phương. Dẫu biết rằng, các hộ dân nơi đây vẫn dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, đấy là cái lý mà ngư dân gọi là “một chốn bốn quê”.

Trại cá lồng của tỉ phú cá Chu Đình Minh.


Tỉ phú trên mặt nước

Những tưởng nghề nuôi cá, hay đánh cá du mục thì số phận cũng chòng chành trôi nổi. Nhưng không phải, một khi người dân đã quyết “neo” lại nơi “đất” tốt thì họ sẽ ăn nên làm ra. Đưa tôi đi một vòng, ông Dưỡng bảo, nhờ có thủy điện mà Na Hang mới phát triển mạnh nghề thủy sản. Người đánh bắt cá tự nhiên, người nuôi cá lồng, tất cả đều có nghề, tạo ra một khu sản xuất sôi động. Theo thống kê thì từ khi lòng hồ thủy điện hình thành, lượng cá xuất ra thị trường cao hơn hẳn. Năm ngoái, riêng nguồn cá đánh bắt tự nhiên đã được trên 500 tấn. Lượng cá lồng mà các hộ dân nuôi còn cao hơn nhiều lần. Người dân hiện đang nuôi các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chiên đem lại thu nhập cao.

Thế mới nói, làm giàu bằng nghề nuôi cá và đánh bắt thủy sản dễ dàng là quà tặng mà lòng hồ thủy điện đem lại cho người dân. Người dân cũng biết lòng hồ là báu vật trời ban để họ “neo” lại. Ông Dưỡng cho biết: “Ở khu lòng hồ này có tỷ phú đấy, không phải là một hay hai người đâu, mà có nhiều là đằng khác. Họ giàu nhờ nuôi cá lồng thành công. Niềm vui cho ngư dân cũng là ở chỗ đó”. Nói rồi ông Dưỡng đưa tôi đến nhà tỉ phú Chu Đình Minh. Ông Minh là dân nuôi cá đích thực. Khi lòng hồ hình thành, ông Minh nắm bắt dòng chảy sạch của nước lòng hồ để đầu tư vốn, kỹ thuật làm lồng cá quy mô lớn dưới chân dòng thác Pác Ban.

Ban đầu ông chỉ nuôi những giống cá đơn thuần như trê, rô phi. Loài cá này dễ nuôi, tháng 4 xuống giống thì đến tết cá đã nặng 7-8 lạng, đem bán cho lái buôn ngoài thị trấn đã kiếm tiền trăm triệu như chơi. Nhưng ông chưa dừng lại ở đó, tiếp tục xây dựng đến 15 chiếc lồng lớn và nhập cá lăng, cá chiên về nuôi. Hai loại cá da trơn này dù khó nuôi nhưng đã đem về cho ông Minh tiền tỷ. Ông Minh bảo: “Lòng hồ sẽ đem lại lợi nhuận cho dân nếu ngư dân biết cách làm giàu. “Neo” lại ở lòng hồ này là điều rất tốt, nhưng quan trọng là mình phải biết làm sao lợi dụng lòng hồ và bắt nước “đẻ” ra tiền”.

Nếu đem “xóm nhà bè” ở lòng hồ thủy điện Na Hang mà so sánh, thì không khác mấy so với những “xóm liều” ở Hà Nội. Dù đã “neo” lại lòng hồ Na Hang nhưng mỗi người một hộ khẩu thường trú khác nhau, có người hộ khẩu ghi là người Sơn Dương, có người ghi là người Chiêm Hóa, có người ngoài tỉnh. Câu chuyện “nước lành tàu bè neo đậu” là vậy. Từ tâm tư của người dân trên mặt nước này, tôi hiểu họ đang muốn danh chính ngôn thuận trở thành người Na Hang. Tuy có khó khăn về vật chất nhưng một khi đã gắn bó, đặt biệt khi được tiếp cận nguồn vốn vay, được trao dồi thêm kiến thức ắt người dân sẽ thoát được cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên.

Theo ông Nhữ Ngọc Dưỡng, hiện ở lòng hồ thủy điện Na Hang không chỉ có ông Minh nuôi cá lồng. Nhiều hộ ở các nơi xa đến cũng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc nuôi cá. Nhiều hộ mỗi năm thu hàng chục tấn cá.

HẠNH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh