CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:16

Lập kênh thông tin tiếp nhận phản ảnh, tố giác trục lợi chính sách

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung điểm lại một số “điểm nóng” mà dư luận còn đang xì xèo đối với một số lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH

Báo cáo kết quả công tác tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ nhấn mạnh, trong năm 2018, với phương châm “Kỷ cương - Thân ái - Đoàn kết - Chất lượng”, Thanh tra Bộ đã phấn đấu hoàn thành 100% thanh tra theo kế hoạch và 07 cuộc thanh tra đột xuất được Lãnh đạo Bộ giao, đạt một số kết quả nổi bật, cụ thể: Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thực hiện có trọng tâm, xác định được những nội dung cần thanh tra, xử lý nhằm nâng cao chức năng quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH. Một số nội dung bắt đầu tập trung thanh tra, tạo tiền đề cho những năm sau như: thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Các lĩnh vực khác vẫn tiếp tục triển khai thanh tra đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, nhiều sai phạm được phát hiện và kịp thời xử lý.

Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng báo cáo kết quả công tác năm 2018

Ông Tùng cũng khẳng định năm 2018, công tác thanh tra hành chính cũng được tăng cường nhằm đảm bảo kỷ cương, liêm chính, việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu đối với các nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao, trong đó tập trung thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công tác quản lý tài chính, tài sản, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản. 
"Tiếp nối chiến dịch thanh tra từ các năm trước, trong năm 2018, Thanh tra Bộ lựa chọn lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng để triển khai chiến dịch thanh tra; cùng với đối tác xã hội, các cơ quan có liên quan tại địa phương thực hiện truyền thông và thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp, đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nhận thức và phòng ngừa rủi ro trong lĩnh vực này" - Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng cho biết.
Ngoài ra, với vai trò là đơn vị thường trực phòng, chống tham nhũng của Bộ, Thanh tra Bộ đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ, đặc biệt là việc nhận diện những vị trí tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng tại các đơn vị để phòng ngừa.     
Trong công tác tiếp công dân, theo ông Tùng nội dung này được thực hiện thường xuyên, đảm bảo an ninh trật tự. "Số công dân đến Bộ được tiếp đón chu đáo và giải quyết kịp thời. Các đoàn đông người đến Bộ đều được Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo thanh tra trực tiếp gặp và giải quyết nên giải tỏa bức xúc cho công dân; việc xử lý đơn đến Bộ phận “một cửa” được thực hiện nhanh hơn, đơn nhận và được xử lý ngay trong ngày; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ về việc xử lý đơn đảm bảo đúng quy định" - Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng báo cáo. 
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ, năm 2018, đơn vị đã chú trọng công tác cải cách hành chính, cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng các phần mềm phục vụ hoạt động của đơn vị như: công tác quản lý văn bản, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc xử lý phiếu tự kiểm tra và quản lý thông tin doanh nghiệp; hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế trong năm vẫn được Thanh tra Bộ duy trì thực hiện trong khuôn khổ dự án hợp tác với ILO, Better Work Việt Nam, trong đó chủ yếu tập trung vào các hoạt động tăng cường năng lực cho thanh tra ngành LĐ-TB&XH.
Chia sẻ về những khó khăn đối với ngành thanh tra lao động thương binh và xã hội năm 2018, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng cho biết, do có sự chồng chéo với các cơ quan, đơn vị khác theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ nên có 37 cuộc thanh tra theo kế hoạch không được thực hiện; một số cuộc thanh tra đã được thực hiện trọng tâm, trọng điểm theo chuyên đề tuy nhiên kết quả còn hạn chế, đặc biệt đối với các cuộc thanh tra trong lĩnh vực mới tiếp cận như bình đẳng giới, lao động ở khu vực phi chính thức; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị mới chỉ dừng ở việc ghi nhận kết quả báo cáo của đối tượng, chưa đánh giá và có những đề xuất xử lý tiếp theo đối với các đối tượng không thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng các kiến nghị tại kết luận thanh tra; việc kiểm tra thực hiện kiến nghị thanh tra triển khai chưa nhiều. Số lượng báo cáo thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra gửi về Thanh tra Bộ còn ít so với các cuộc thanh tra đã tiến hành; một số đối tượng báo cáo không đúng thời gian quy định. 
"Việc thực hiện cưỡng chế đối với các đối tượng chưa thực hiện quyết định xử phạt, thu hồi gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật còn chưa sát thực tiễn, không khả thi dẫn đến tỷ lệ thu hồi, nộp phạt chưa cao, đặc biệt là việc thu hồi trong lĩnh vực người có công" - ông Tùng nêu khó khăn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo hội nghị
Trong phần thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã gợi mở, điểm lại một số “điểm nóng” mà dư luận còn đang xì xèo, bàn tán đó là vấn đề: Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, giải quyết chính sách người có công, việc cấp bằng giả, các trường tổ chức liên thông, công nhận chứng chỉ... Chỉ ra vấn đề đang được dư luận, xã hội quan tâm, đó là bạo lực phụ nữ, xâm hại trẻ em ngày càng diễn ra phức tạp, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị chức năng cùng thảo luận, tìm ra những vấn đề còn tồn tại cốt lõi để tham mưu cho lãnh đạo Bộ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này. "Số vụ việc nhiều hơn, tính chất phức tạp hơn, nảy sinh có cả yếu tố người nước ngoài. Một số môi trường chúng ta cảm nhận an toàn nhất cho trẻ em thì lại đang bị đe dọa..." - Bộ trưởng băn khoăn. Một vấn đề khác nữa cũng được Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đó là  trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang diễn ra phức tạp, cần có sự vào cuộc của thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Vui mừng vì kết quả ngành đạt được trong năm qua, Bộ trưởng cho biết, năm 2018, toàn ngành quyết liệt với các công việc, đến giờ không khí trong nhân dân, nhận định đánh giá của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về ngành, Bộ LĐ-TB&XH, các công việc đều suôn sẻ, các chỉ tiêu quốc gia toàn ngành đều đạt và vượt kế hoạch. "Bộ LĐ-TB&XH là một trong những ngành trong khối Văn xã năm 2018 hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đóng góp chung đó, Thanh tra Bộ có vai trò rất quan trọng, không những chỉ tạo thế và lực cho Bộ mà còn là chỗ dựa tin cậy cho lãnh đạo Bộ, đó là “tích cực, chủ động, sáng tạo, hiệu quả” - Bộ trưởng khen ngợi và biểu dương.
 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao Thanh tra Bộ khẩn trương lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ảnh, tố giác trục lợi chính sách 
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Thanh tra Bộ trong năm 2018, Bộ trưởng cho biết, Thanh tra Bộ đã triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung liên quan đến công tác thanh tra (từ thanh tra chuyên ngành, thanh tra chuyên đề, tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo...). "Những số liệu thanh tra về chính sách người có công mà Bộ cung cấp cho Quốc hội, cho Chính phủ tạo ra dư âm rất tốt. Lần đầu tiên Bộ công bố số liệu về trục lợi chính sách người có công trước Quốc hội được nhân dân, dư luận ủng hộ và giám sát" - Bộ trưởng chia sẻ.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, Bộ trưởng khẳng định, số vụ việc đã giảm đi rất nhiều, Thanh tra Bộ đã thực hiện rất tốt, tham mưu cho lãnh đạo Bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở hai lĩnh vực giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công và chính sách bảo hiểm xã hội.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, trong năm 2019, Thanh tra Bộ cần xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt các nội dung thanh tra đã được phê duyệt; trong đó Thanh tra Bộ phải cùng các đơn vị tập trung làm tốt vào những vấn đề lớn mà nhân dân quan tâm. "Những vấn đề bức xúc đó toàn ngành phải quan tâm. Thanh tra Bộ cùng Vụ Pháp chế, Cục Người có công, Cục quản lý lao động ngoài nước, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp... tập trung rất nhiều cho việc sửa đổi pháp luật và cơ chế chính sách, rà soát quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hóa các trường, liên thông bằng cấp... Đặc biệt là 3 văn bản: Bộ Luật lao động, Pháp Lệnh người có công, Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các Nghị định về tự chủ, rà soát quy hoạch mạng lưới, chuẩn hóa trường" - Bộ trưởng chỉ đạo.

Đối với vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em, Bộ trưởng giao Cục trẻ em,Thanh tra Bộ phối hợp, tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT để làm sao kiểm tra toàn bộ hệ thống các cơ sở mầm non tư thục cả nước về điều kiện, giấy phép hoạt động, qua đó nếu có sai phạm thì phải xử phạt răn đe, cảnh báo...

Bộ trưởng cũng giao Thanh tra Bộ khẩn trương lập kênh thông tin để tiếp nhận phản ảnh, tố giác trục lợi chính sách người có công và trục lợi chính sách giảm nghèo, tập trung các giải pháp chống tham nhũng vặt.

Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, theo Bộ trưởng đây là vấn đề cũng đang nổi cộm, nảy sinh phức tạp trong việc chi trả cho đối tượng. "Tới đây phải làm đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra không để vai trò này mờ nhạt" - Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng đề nghị Thanh tra Bộ tăng cường tập huấn, xây dựng đội ngũ thanh tra, đẩy nhanh hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính...

VĂN BÌNH-MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh