Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH góp phần quan trọng để Bộ hoàn thành kế hoạch năm 2017
- Tây Y
- 05:53 - 26/12/2017
Ông Nguyễn Tiến Tùng-Chánh Thanh tra Bộ báo cáo kết quả công tác tại Hội nghị
Quyết liệt xử lý doanh nghiệp vi phạm
Báo cáo kết quả công tác tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Tùng-Chánh Thanh tra Bộ nhấn mạnh, với những nỗ lực, sáng tạo, không ngừng đổi mới trong hoạt động thanh tra, năm 2017, Thanh tra Bộ đã hoàn thành 100% kế hoạch được phê duyệt và 12 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất được Lãnh đạo Bộ giao.
Kết quả nổi bật đó, theo ông Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng đó là thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong những năm qua. “Công tác này được đặc biệt chú trọng nhằm xử nghiêm những doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động cũng như giảm thiểu các hành vi vi phạm”-ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Tùng cho biết, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ thu hồi Giấy phép hoạt động của 04 doanh nghiệp XKLĐ; đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 2 doanh nghiệp. So với năm 2016, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này bị xử phạt tăng 81,25%, tổng số tiền xử phạt tăng 80,3%.
Điểm nổi bật nữa là trong công tác thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công tiếp tục được Thanh tra Bộ đẩy mạnh, đến nay đã hoàn thành thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội thực hiện.
Bên cạnh đó, năm 2017, Thanh tra Bộ cũng đã thực hiện công tác thanh tra hành chính; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; thanh tra đột xuất; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra tại Thanh tra Bộ. Đồng thời, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015. Trong lĩnh vực lao động, Thanh tra Bộ đẩy mạnh việc sử dụng phiếu tự kiểm tra cùng với việc đổi mới cách bố trí đoàn thanh tra khi kết hợp giữa Thanh tra Bộ và các đối tác xã hội (Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ các tỉnh) đã làm tăng năng suất thanh tra, tiến tới 1 thanh tra viên thanh tra 1 doanh nghiệp. “Thanh tra Bộ xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực này để răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, so với năm 2016, tổng số tiền xử phạt tăng 51,6%”-ông Tùng thông tin thêm.
Báo cáo của Thanh tra Bộ cũng cho biết, trong năm 2017, tiếp nối thành công của việc thực hiện chiến dịch thanh tra trong những năm trước, Thanh tra Bộ đã thực hiện Chiến dịch thanh tra tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử. Việc kết hợp thực hiện giữa hoạt động truyền thông và hoạt động thanh tra trong chiến dịch đã tác động hiệu quả đến các doanh nghiệp, nâng cao tuân thủ pháp luật lao động và cải thiện điều kiện làm việc trong lĩnh vực này.
Đối với việc thực hiện thanh tra các quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Tiến Tùng khẳng định, công tác này đã được đẩy mạnh, cùng với việc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ đã mang lại hiệu quả tốt, góp phần giảm thiểu tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, thực hiện không đúng quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng được tăng cường với số tiền xử phạt tăng 67,4% so với năm 2016.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương và đánh giá cao tinh thần nỗ lực, chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ năm 2017 của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Thanh tra Bộ
"Sâu sát, quyết liệt, hiệu quả”
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương và đánh giá cao tinh thần nỗ lực, chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ năm 2017 của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Thanh tra Bộ. “Năm 2017, Thanh tra Bộ đã phối hợp với các đơn vị trong ngành hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Thanh tra Bộ là chỗ dựa rất tin cậy của lãnh đạo Bộ, của Bộ trưởng đó là “sâu sát, quyết liệt, hiệu quả”. Thanh tra Bộ cùng với Cục người có công, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các cục vụ trong Bộ đã góp phần rất quan trọng để Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành tốt các kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra trong năm 2017”-Bộ trưởng nhìn nhận.
Vui mừng vì kết quả ngành đạt được trong năm qua, Bộ trưởng thông tin thêm, vừa qua VCCI đã đánh giá hiệu quả chính sách, mức độ hài lòng của nhân dân thì Bộ LĐ-TB&XH xếp thứ tư trong tất cả các bộ ngành về xây dựng thể chế chính sách. Rồi trong năm 2017, Bộ hoàn thành được nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tạo sự chuyển động toàn xã hội trong lĩnh vực người có công đó là lan tỏa phong trào “Toàn dân đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS”. Bộ trưởng cho rằng, trong công tác giải quyết tồn đọng và chống trục lợi, khai man hồ sơ người có công cũng là một điểm nhấn, nổi bật của ngành. “Năm 2017, chúng ta “tấn công” quyết liệt trong việc chống tiêu cực gian lận chính sách thì thanh tra có vai trò rất quan trọng trong công tác này”-Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng điểm lại một số “điểm nóng” mà Thanh tra Bộ góp phần rất quan trọng để làm sáng tỏ vấn đề như vụ Quảng Bình giải quyết hơn 2.000 hồ sơ bệnh binh tồn đọng, 23 trường hợp hồ sơ tồn đọng ở Lào Cai, 197 trường hợp của Lâm Đồng, rồi giải quyết một loạt đơn thư của của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động...
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, Bộ trưởng khẳng định, Thanh tra Bộ đã thực hiện rất tốt, tham mưu cho lãnh đạo Bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở hai lĩnh vực giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công và chính sách bảo hiểm xã hội. "Những kiến nghị của Thanh tra Bộ sắc sảo giúp Bộ trưởng giải quyết sự việc kịp thời"-Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, trong năm 2018, Thanh tra Bộ cần xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt các nội dung thanh tra đã được phê duyệt; trong đó Thanh tra Bộ phải cùng các đơn vị tập trung làm tốt vào những vấn đề lớn mà nhân dân quan tâm. Thứ nhất là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo Bộ trưởng, lĩnh vực này dù năm qua đã có chuyển đổi nhưng chưa mạnh, cả xã hội đang quan tâm nhìn vào vấn đề tổng thể là học nghề, kết nối việc làm trong thời gian qua vẫn đang là điểm nghẽn. Thứ hai, trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em, vấn đề này cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm. "Tình trạng đuối nước, bạo lực, bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc..."-Bộ trưởng trăn trở.
Liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh lao động, quản lý lao động ngoài nước, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin... Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, vào cuộc, xử lý quyết liệt. "Thanh tra Bộ cần tăng cường nâng cao năng lực quản lí nhà nước về thanh tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay"-Bộ trưởng lưu ý.