CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:24

Chuyện bôn ba, giang hồ của lão ngư 100 tuổi

 

Những cái chết dần, chết mòn…

Về vùng đất cát Trà Đỏa, hỏi đến cái tên già Lâu, ai cũng biết. Với họ, già Lâu trở thành huyền thoại. Sau khi xuôi mái chèo vượt dòng Trường Giang ngoằn ngoèo, khúc khủyu,  chúng tôi được cô lái đò kể về một thời vàng son của thương cảng Trường Giang tàu bè ra vào tấp nập để buôn bán, vận chuyển, trao đổi gạo, muối, mắm và những sản vật vùng xứ trầm hương.

Nửa thế kỷ về trước, vùng đất miền sông nước Trường Giang  này cũng là nơi sản sinh ra nhiều thủy thủ ghe bầu giỏi của xứ Quảng. Thưở ấy, cả vùng có hẳn một đội thủy thủ khoảng 15 người. Tuy nhiên, do chiến tranh và tuổi tác, đội thủy thủ ấy đến giờ chỉ còn lại cụ Đỗ Lâu tuổi đã 100.

Lân la theo lời kể của cô lái đò, chúng tôi được biết thêm những giai thoại li kì về một thời phiêu bạt giang hồ, thời trai trẻ  ngang dọc ra Bắc vào Nam của già Lâu đến nay vẫn được người dân xóm vạn chài truyền tụng. Họ xem đó là kỳ tích và  những câu chuyện chỉ có trong truyện cổ tích.


Cụ Lâu kể rằng, lúc lên 15 tuổi, lão đã gia nhập đội quân chuyên làm nghề bốc vác thuê ở bến cảng Hội An. Rồi dần đà, thấy cụ khỏe mạnh, cường tráng, siêng năng, các chủ ghe thuyền xứ Quảng đã tuyển mộ vào đội thủy thủ để đi mọi miền đất nước bỏ hàng. Cụ Lâu còn nhớ rất rõ, cách đây chừng 50 năm, đội ghe bầu xứ Quảng từng tung hoành ngang dọc Nam Bắc, đi qua những vùng đất cảng lừng danh như Hội An, nước Mặn, Sài Gòn,…

Khi được tuyển mộ vào đội ghe bầu là “bán thân” rong ruổi trên những cuộc hành trình phiêu lưu đầy mạo hiểm, lênh đênh nhiều tháng trời ngoài biển khơi. Theo cụ Lâu, cứ theo mùa vụ, ghe bầu chỉ đi được 2 chuyến chính là từ tháng giêng đến tháng bảy (âm lịch). Mỗi chuyến đi từ 2 - 3 tháng. Mỗi chuyến đi dài ngày cũng có ít nhất một người phải nằm lại với biển khơi muôn trùng.

Một thời ngang dọc…

Thời trai trẻ, cụ là một trong số ít những thanh niên có sức khỏe và gan “hùm” nhất làng. Ngày nay, về làng Củi, quê hương cụ Lâu, vẫn còn được nghe kể những câu chuyện đánh linh Tây của lão. Câu chuyện cụ một mình đối mặt và hạ gục cùng một lúc cả chục thằng Tây luôn người dân làng truyền tai nhau và trở thành huyền thoại anh hùng xóm chài. Theo cụ kể, ngày ấy, lính Tây đến làng luôn tỏ thói ngông cuồng, hách dịch. Đi đến đâu cũng bắt bớ, đánh đập, thậm chí làm nhục chị em phụ nữ. Cụ Lâu vẫn còn nhớ như in câu chuyện của 70-80 năm trước về kỳ tích đánh Tây đáng nể. Cụ kể: Năm ấy cũng đã trưa, một đoàn lính Tây chừng chục tên ập đến rồi ngang nhiên xông thẳng vào làng bắt bớ dân làng, đặc biệt là phụ nữ. Trong khi đang làm đồng nghe tin cụ liền cuống cuồng chạy về giải vây dân làng.

Về làng, một mình cụ đã ra đối mặt với chục thằng Tây. Rồi lần lượt triệt hạ từng thằng một bằng tay không. Từ đó, bọn lính Tây không ai dám vác mặt đến làng quấy nhiễu. Làng trở nên yên bình từ đó.

Đang kể về những ngày “cưỡi sóng” phiêu bạt trên biển, những ngày tháng oai hùng trên “đất khách quê người”, cụ bỗng lặng im, không nói nên lời, ngồi thẩn thờ nhìn ra bờ sông mà rưng rưng nước mắt. Cụ lại  nhớ đến những người “đồng chí” mình đã mất trong những lần chạm trán với các "đại ca khét  tiếng" nhất đất Sài thành. Đó là những phút giây nguy hiểm nhất. Cụ ngậm ngùi: “Bọn chúng vừa đông, vừa to khỏe, lại vừa võ nghệ rất tài giỏi. Còn trái lại, những thủy thủ xứ Quảng thì thấp người nhỏ con, võ nghệ toàn học “lỏm”. Thành ra, mỗi lần chạm trán thì cũng có đổ máu và cùng với đó là có người phải bỏ mạng.” 

 

Cụ Lâu kể về một kỷ niệm mà cho đến tận bây giờ cụ vẫn không bảo giờ quên. Với cụ đó là một kỳ ức đẹp của người thủy thủ. Cụ kể: “Đi làm nghề thủy thủ lão đã giáp mặt với nhiều gã đại ca có tiếng mọi người đất nước. Tuy nhiên, có một lần đối đầu với một băng nhóm giang hồ khét tiếng đất Gia Định - Chợ Lớn. Ngày đầu tàu cập bến, chỉ vì lý do là chưa làm lễ ra mắt “chúa” đất nên bị sinh sự. Tên đại ca sai chục tên đệ tử ra tàu quậy phá tá lả. Tức giận, cả đội ra giáp chiến. Tuy nhiên, chúng chỉ muốn tỉ thí xem võ nghệ cao thấp. Đội thủy thủ cử lão ra ứng chiến. Bằng mưu trí và chút võ nghệ học lỏm cộng với đó là sức dẻo của nghề đi biển lão đã hạ gục từng tên một. Đến khi đối mặt với gã đại ca thì có phần khó khăn. Gã đại ca cao to, mình đầy hình xăm, cái mặt dữ tợn, bước đi chắc nịch. Vào nghinh chiến, nắm rõ những thế võ của tên này nên biết phòng thủ và nhanh chóng dùng chiêu thức đánh trả quyết liệt. Những đòn đánh của lão mỗi lúc càng chắc và uy lực hơn. Sau 30 phút mới có thế đánh hạ tên đại ca khét tiếng này.”

Khi được hỏi về “loại” võ nghệ mà cụ Lâu có được để đánh hạ những trùm băng nhóm Sài Gòn, cụ liền nở nụ cười rồi cười tếu nói: “Trường lớp đâu, tự học đó. Chả biết gốc gác, đi đâu thấy họ đánh võ là lao vào xem rồi học, nhưng nhiều nhất là thế võ Tây Sơn (Bình Định).”

Sau thời gian mẩn mê ngồi kể chuyện về một đời đầy kiêu hãnh của mình, cụ Lâu đứng lên trình diễn vài thế võ mà đã lâu lắm rồi không sử dụng. Cụ Lâu năm nay đã 100 tuổi, nhưng những bước đi thế quyền vẫn rất uyển chuyển, linh hoạt và động tác dứt khoát,… càng thấy thán phục hơn về cuộc đời của cụ.

VĂN ÚT

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh