THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:08

Lao động, việc làm cả nước 6 tháng đầu năm 2019: Nhiều tín hiệu khả quan

GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%

Theo Tổng Cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế quốc tế phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế trên thế giới trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực đồng Euro cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Các điểm nóng địa chính trị có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt. Mỹ tăng cường trừng phạt Iran, giá dầu và đồng Đô la Mỹ diễn biến phức tạp cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng xấu tới kinh tế Việt Nam.

Theo đó, Tổng Cục Thống kê nhận định, trong nước, nền kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nhưng cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2019 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%. Tăng trưởng quý II/2019 thấp hơn tăng trưởng quý II/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý II các năm 2011-2017.

Trên góc độ sử dụng GDP quý II năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,54%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,38%.

GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng. 

Số người có việc làm tăng lên, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực   

Đáng chú ý, tình hình lao động, việc làm cả nước trong 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều tín hiệu khả quan. So với cùng kỳ năm trước, số người có việc làm tăng lên, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm mạnh tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ.

Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động làm công hưởng lương có xu hướng tăng.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2019 ước tính là 55,5 triệu người, tăng 25,8 nghìn người so với quý trước do nhu cầu làm việc và tìm kiếm việc làm trong dân cư tăng trở lại và tăng 335,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động nam 29,1 triệu người, chiếm 52,4% tổng số và lao động nữ 26,4 triệu người, chiếm 47,6%.

Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 18,5 triệu người, chiếm 33,4%; khu vực nông thôn là 37 triệu người, chiếm 66,6%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,4 triệu người, tăng 334 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 76,5%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II/2019 ước tính là 48,9 triệu người, tăng 41,6 nghìn người so với quý trước và tăng 454,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động nam 26,7 triệu người, chiếm 54,6% tổng số và lao động nữ 22,2 triệu người, chiếm 45,4%; khu vực thành thị 17 triệu người, chiếm 34,7% và khu vực nông thôn là 31,9 triệu người, chiếm 65,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,9 triệu người, tăng 450,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2019 ước tính là 54,4 triệu người, bao gồm 19,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 35,1% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 15,9 triệu người, chiếm 29,3%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 35,6%.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 54,3 triệu người, bao gồm 19,2 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 35,3% tổng số (giảm 3,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 15,7 triệu người, chiếm 28,9% (tăng 2,3 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 35,8% (tăng 0,8 điểm phần trăm).

Kinh tế 6 tháng đầu năm: tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp

Khái quát lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có những nét chuyển biến tích cực là nhờ sự điều hành khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường tiếp tục tăng cao, giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.

Số người có việc làm tăng lên, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người dân cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, Tổng Cục Thống kê cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới: Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu tăng chậm lại. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được xem là thế mạnh có xu hướng giảm đáng kể. Cán cân thương mại hàng hóa chuyển hướng nhập siêu.

Cùng với đó, thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi đối diện với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng. "Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường", Tổng Cục Thống kê nhận định.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh