THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:09

6 tháng đầu năm: Gần 777 nghìn người lao động được giải quyết việc làm

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH tập trung vào 3 đột phá: Xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động và 2 ưu tiên: Giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tại buổi họp báo.

 

Theo số liệu tổng hợp, các trường nghề tuyển sinh khoảng 1.081 nghìn người, đạt 48% kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 112 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 969 nghìn người. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 200.000 lao động nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng. 

Đã giải quyết việc làm cho trên 776,9 nghìn người lao động trong 6 tháng đầu năm 2019, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, đưa gần 67 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị quý 1/2019 ước tính là 2,95%; dự kiến 6 tháng đầu năm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 6 tháng đầu năm ước đạt 59,8%.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chủ trì buổi họp báo.

 

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Tính đến tháng 5/2019, cả nước có 14,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 347 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Rà soát, nắm tình hình nợ lương, nợ tiền tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Về một số hoạt động hướng tới kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Năm nay sẽ tổ chức cuộc gặp, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu đối với 500 thương binh nặng, mất sức lao động 81% trở lên tại Hà Nội. Tổ chức trao Bằng tổ Quốc ghi công đối với hơn 400 liệt sĩ qua xem xét, rà soát hồ sơ tồn đọng thời gian qua và dự kiến tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long.

Về lĩnh vực bảo trợ xã hội, Bộ đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình đời sống của các đối tượng chính sách để có biện pháp quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội. Thực hiện việc chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về giảm nghèo theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020, Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2019; các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý…) ngay từ đầu năm. Triển khai kế hoạch đánh giá sơ kết thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất kế hoạch khung Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ đã kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về thực hiện quyền trẻ em và các vụ việc xâm hại trẻ em; chủ động, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết các vấn đề về trẻ em, bạo lực với trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ đạo triển khai các hoạt động tổ chức Tết thiếu nhi cho trẻ em; xây dựng kế hoạch, tổ chức thăm, tặng quà và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh nhằm thu hút đông đảo trẻ em tham gia. Triển khai các hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, duy trì truyền thông chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, với trọng tâm là phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học và gia đình; hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về xâm hại tình dục trẻ em.

Quang cảnh buổi họp báo.

 

 Lĩnh vực bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai; trên cả nước hiện có 105 cơ sở cai nghiện công lập thực hiện việc điều trị, cai nghiện cho 38.441 người nghiện, trong đó, có 26.494 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án, 3.923 học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập, 4.563 người nghiện tại cơ sở xã hội (không có nơi cư trú ổn định) và 3.461 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ngoài công lập.

Hiện đã có 28 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng; có 6 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho 4.320 người nghiện; quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú cho 23.600 người sau cai nghiện. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và  thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tiếp tục xây dựng thí điểm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm và mở rộng ra các địa phương khác.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) của Bộ năm 2019, gồm 85 mục nhiệm vụ trên 07 lĩnh vực CCHC theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ; ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của Bộ năm 2019, gồm 15 thủ tục thuộc các lĩnh vực: an toàn lao động, quản lý lao động ngoài nước, phòng, chống tệ nạn xã hội và việc làm. Tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Bộ LĐ-TB&XH xếp thứ 10/18 bộ, ngành và thuộc nhóm 5 bộ, ngành có kết quả cao nhất từ điều tra xã hội học.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm Lê Quang Trung thông tin về tình hình giải quyết việc làm cho người lao động.

 

Tính đến ngày 8/6/2019, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 380 đơn vị, ban hành 1.363 kiến nghị, 33 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2.017.216.480 đồng, kiến nghị thu hồi số tiền 8.525.284.933 đồng. Yêu cầu tiếp tục thu hồi dứt điểm số tiền 4.755.590.299 đồng của các đối tượng bị đình chỉ chế độ do khai man, giả mạo hồ sơ được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo. Kiến nghị truy lĩnh cho các đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng số tiền 466.683.000 đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động và xã hội trong khuôn khổ song phương, đa phương, ASEAN và các tổ chức phi chính phủ. Tích cực, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế thông qua nhiều hoạt động đa dạng. Ban hành Kế hoạch hành động triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; kiện toàn Tổ công tác về các Hiệp định Thương mại tự do, bổ sung đầu mối quốc gia về lao động. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt các hoạt động của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, trong đó Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giữ vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban và chủ trì Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam. Thực hiện trao đổi, đàm phán và ký kết các văn bản hợp tác quốc tế.

Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu cả năm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 đến 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 đến 24,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 đến 1,5%, riêng các huyện nghèo nghèo giảm 4%; chăm lo tốt hơn cuộc sống người có công và gia đình chính sách; bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em…

Để đạt mục tiêu đều ra, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành, trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và gắn với thị trường lao động quốc tế, khu vực ASEAN. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, quan hệ lao động, tiền lương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo bền vững đến năm 2020; chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách giảm nghèo. Thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các chương trình, đề án về trợ giúp xã hội. Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh