Lao động thời Covid
- Bài thuốc hay
- 18:43 - 30/04/2020
Đại dịch Covid-19 đẩy DN gặp khó, NLĐ lao đao
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, tính hết ngày 24/4/2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 357 DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó có 1 DN bị giải thể, 46 DN ngừng việc, 55 DN bị thu hẹp sản xuất, 255 DN cho công nhân nghỉ việc luân phiên; có 43.526 lao động bị ảnh hưởng, trong đó có 14.444 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, 9.726 lao động ngừng việc, 19.356 lao động giãn việc và nghỉ luân phiên.
Trong số các DN bị ảnh hưởng, thì ngành dệt may đang phải chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, ông Vũ Công Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may tỉnh Thanh Hóa cho hay: "Đến nay, hầu hết các DN trong ngành dệt may đều gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đa phần các DN phải cắt giảm lao động khoảng từ 20% đến 30%". Lý giải về vấn đề này, ông Thắng cho biết, hàng dệt may chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ, nhưng các nước này đang là tâm dịch Covid-19 với muôn vàn khó khăn. Hiện có khoảng hơn 90% DN dệt may trong tỉnh có thông báo hủy đơn hàng vô thời hạn. "Mặc dù gói hỗ trợ của Chính phủ đã giúp các DN phần nào vơi bớt khó khăn, cơ cấu lại sản xuất. Tuy nhiên, DN trong ngành dệt may cũng phải tự tìm cho mình lối thoát riêng, tìm mặt hàng sản xuất để thay thế nhằm duy trì sản xuất để giữ chân NLĐ. Nếu không tìm mặt hàng thay thế để sản xuất, DN phải đóng cửa thì đồng nghĩa với việc không giữ chân được NLĐ, khi hết dịch, DN sẽ phải xuất phát từ con số không, khi đó sẽ khó khăn rất nhiều lần" - ông Thắng phân tích.
Ngoài vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may tỉnh Thanh Hóa, ông Vũ Công Thắng còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty may xuất khẩu Trường Thắng với khoảng 1.000 lao động. Ông Thắng cho biết: "Mặc dù có biến động do dịch Covid-19 nhưng thời điểm đầu năm các đơn hàng và vật liệu đầu vào từ trước tết vẫn tồn đọng, nên công ty vẫn hoạt động bình thường, duy trì được việc làm và đảm bảo tốt chế độ cho NLĐ. Đến đầu tháng 3, chúng tôi gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào do dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc bùng phát mạnh, khi giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào thì các đối tác ở Châu Âu, Mỹ thông báo hủy đơn hàng vô thời hạn. Do vậy, hiện chúng tôi đã phải cắt giảm gần 30% lao động".
Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19, để duy trì sản xuất, ông Vũ Công Thắng đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, một mặt để đáp ứng nhu cầu khẩu trang để người dân trong nước phòng, chống dịch, đồng thời cũng giữ chân được NLĐ. Sau này nếu được Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang theo số lượng nhất định, thì DN sẽ có cơ hội tốt để tạo thêm việc làm cho NLĐ.
Không riêng ngành dệt may, mà DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi đại dịch Covid-19, ông Lê Văn Viên, Giám đốc Công ty Tân Thành 9 cho biết: "Vừa qua công ty phải cho gần 50 lao động thuộc dây truyền sản xuất cọc ép ly tâm nghỉ việc vì không bán được hàng, thất thu khoảng 7 tỷ đồng/tháng. Mặc dù rất thương NLĐ đã gắn bó với mình, nhưng không còn cách nào khác".
Đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ. Chị Phạm Thị Thanh, chủ cửa hàng bánh mỳ Thanh gần cổng trường THCS Lý Tự Trọng, phường Đông Sơn, TP.Thanh Hóa chia sẻ: "Đã nhiều năm nay, cửa hàng bánh mỳ là nguồn thu nhập chính, giúp gia đình tôi trang trải chi tiêu, lo cho các cháu ăn học. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải nghỉ học, người mua giảm hẳn. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về "cách ly xã hội", tôi đã đóng cửa để thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, phòng, chống dịch lây lan ra cộng đồng".
Còn cánh lao động tự do cũng ế ẩm không kém. Anh Phạm Thanh Hùng, trú tại phường Phú Sơn, TP.Thanh Hóa, lao động tự do cho biết: "Trước đây tôi chạy xe ôm ngày cũng kiếm được khoảng 200 nghìn dồng, tằn tiện lắm nhưng chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Từ ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, xe ôm không có khách, tôi chuyển sang làm lao động tự do, ai thuê gì làm nấy, nhưng cũng chẳng đổi vận được, gần hết buổi sáng rồi mà chẳng thấy ai thuê".
Anh Hoàng Văn Thu, nhân viên kinh doanh khách sạn đóng trên địa bàn TP.Thanh Hóa, đang tranh thủ thả lưới trên sông nhà Lê thuộc địa phận TP.Thanh Hóa nhằm cải thiện cho gia đình trong những ngày đại dịch, cho biết: "Tôi quê ở huyện Tĩnh Gia, trước đây làm nghề đánh bắt thủy sản. Sau khi cưới vợ, tôi bỏ nghề ra thành phố làm nhân viên kinh doanh khách sạn. Lương không cao, nhưng cũng đủ chi tiêu cho hai vợ chồng. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, khách sạn phải đóng cửa, vợ tôi lại mới sinh em bé, nên tranh thủ mượn thuyền của người quen thả lưới kiếm sống chờ dịch bệnh đi qua mới trở lại công việc chính được".
Gói cứu trợ của Chính phủ là "phao cứu sinh" cho người yếu thế
Trong lúc DN gặp khó khăn, các hộ kinh doanh nhỏ phải đóng cửa, hàng triệu lao động mất việc làm… bởi đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đưa ra các giải pháp đúng, trúng, kịp thời, kiến nghị về gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất 6 điểm.
Phấn khởi trước gói hỗ trợ cho các DN, NLĐ… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chị Lê Thị Minh công nhân từng làm việc tại Công ty may Tùng Phương (đóng trên địa bàn huyện Thọ Xuân) mất việc từ đầu tháng 4 do dịch Covid-19 cho biết: "Trước khi dịch chưa xảy ra, công việc của tôi rất ổn định, lương trên 6 triệu đồng/tháng, chi tiêu cũng dư dả. Do dịch Covid-19 bùng phát kéo dài khiến DN phải cắt giảm lao động, hơn 50% lao động mất việc làm, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, đang không biết xoay xở vào đâu, may có gói cứu trợ của Chính phủ, tôi vui lắm. Cảm ơn Đảng và Nhà nước!".
Ông Chu Văn Hương, Giám đốc Công ty may Tùng Phương chia sẻ: "Dịch Covid-19 diễn ra thời gian qua đã gây khó khăn rất lớn cho DN cũng như NLĐ. Nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất thiếu, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, không có tiền trả lương cho công nhân, DN đành phải cắt giảm hơn 50% lao động. Đang lúc gặp khó khăn, chúng tôi được Chính phủ tạo điều kiện cho giãn nợ, hạ lãi suất, chậm đóng bảo hiểm xã hội…Đây là cơ hội tốt để DN vượt qua khó khăn, củng cố để sản xuất trở lại khi dịch bệnh Covid-19 qua đi".
Còn chị Mai Thị Xuân, công nhân Công ty may HongFu, đóng tại khu công nghiệp Hoàng Long, TP.Thanh Hóa phấn khởi: "Hai vợ chồng tôi đều bị mất việc do đại dịch Covid-19, cuộc sống gia đình với 4 miệng ăn gặp rất nhiều khó khăn. Gói cứu trợ của Chính phủ là "Phao cứu sinh" giúp gia đình tôi tránh cảnh chạy ăn đong hàng ngày".
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết: "Gói cứu trợ của Chính phủ là chính sách đi vào lòng dân, thể hiện tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Các đối tượng được thụ hưởng đều rất phấn khởi, đặc biệt là người yếu thế trong xã hội, họ cảm động trước sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ. Gói cứu trợ sẽ giúp các DN có "sức sống mới" duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho NLĐ; giúp những lao động mất việc làm có khoản thu nhập nhất định, đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho gia đình".
Gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ ban hành theo Nghị quyết số 42 với khoảng 20 triệu người trong cả nước được thụ hưởng. Gói cứu trợ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Giúp các đối tượng được thụ hưởng như: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ đối với DN, hộ kinh doanh nhỏ, NLĐ… lúc gặp khó khăn. Gói cứu trợ sẽ là "liều thuốc bổ" giúp các DN duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho NLĐ, để khi đại dịch bệnh Covid-19 qua đi, DN tiếp tục bứt phá, tạo việc làm nhiều hơn nữa cho NLĐ, góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước.