THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:11

Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động

Nghị quyết số 42/NĐ-CP hỗ trợ DN được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi 0%, tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vào quỹ hưu trí, tử tuất sẽ hỗ trợ cho DN trả lương NLĐ, giúp chủ sử dụng lao động vượt qua khó khăn và tác động tích cực đến mối quan hệ giữa DN và NLĐ.

Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động - Ảnh 1.

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP May 10.

Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: DN - đối tượng tác động của chính sách được thụ hưởng nhưng mục đích cuối cùng chính là NLĐ, vì DN vay vốn ngân hàng để trả lương cho NLĐ. Và, trong lúc khó khăn này, DN thực hiện được giải pháp giữ chân NLĐ; để khi hết dịch, NLĐ quay trở lại làm việc thì DN đỡ mất chi phí đào tạo, tuyển dụng mới. Về phía NLĐ cũng ý thức được trong lúc khó khăn, DN vẫn chi tiền hỗ trợ mình bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và còn có thể giải quyết những vấn đề cho NLĐ, họ tăng sự hiểu biết, có trách nhiệm gắn bó sẻ chia với DN. Và chắc chắn sau này, quan hệ lao động giữa hai bên sẽ tốt lên.

Không chỉ thế, sẽ có rất nhiều lao động không bị mất việc làm nhờ chính sách này. Bởi theo thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, quý I/2020, cả nước có 153.000 người nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đời sống NLĐ, nhất là những người làm ở khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lao động tự do đang rất khó khăn; phần đông đã nghỉ việc. Vì thế, Nghị quyết 42 với những giải pháp mạnh sẽ hỗ trợ người dân, DN vượt qua đại dịch này.

Vấn đề được nhiều người quan tâm trong tình hình hiện nay, đó là việc chi trả nhanh và đúng đối tượng. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Văn bản này nêu rõ 5 điều kiện DN phải đáp ứng để được vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ. Điều kiện đầu tiên, DN có từ 20% hoặc từ 30 lao động làm việc theo hợp đồng lao động trở lên phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên vì lý do dịch bệnh nguy hiểm hoặc vì lý do kinh tế. DN đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ...

Hà Nội ước có khoảng 270.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương. Có 355.700 người lao động đã tham gia đóng BHXH nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; còn số người bị chấm dứt hợp đồng lao động là bao nhiêu đến nay chưa có số liệu chính xác vì đang rà soát.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân

Trao đổi về câu chuyện làm sao để kiểm soát DN thực hiện theo đúng quy định, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho rằng: Tất cả những DN tạm ngừng hợp đồng với NLĐ, trong bộ hồ sơ của NLĐ phải có hợp đồng lao động. Việc này còn kiểm soát được thông qua việc DN báo cáo trả lương với cơ quan thuế. Cơ quan BHXH sẽ phối hợp để thẩm định việc này nên DN không thể báo cáo sai. Trên cơ sở có danh sách NLĐ, những NLĐ nào tạm hoãn hợp đồng thì DN phải có văn bản thỏa thuận với NLĐ, không trả lương và báo cáo với cơ quan thuế. Các DN phải tập hợp lại danh sách đã cho NLĐ tạm hoãn lao động và có văn bản chính thức, cùng với hồ sơ của từng NLĐ gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết hỗ trợ thụ hưởng chính sách. Tiếp đó, trong khoảng thời gian quy định, cơ quan có thẩm quyền thụ lý, thẩm định nếu đúng thì mới tham mưu ra quyết định chi trả cho NLĐ...

MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh