THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:35

Lao động suy giảm mạnh ở khu vực ngoài nhà nước và khối FDI

VEPR cho biết, có tới 41,8% số doanh nghiệp (DN) đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn so với quý trước (Q1/2016): 29,2%). Tuy nhiên, tình hình lao động sử dụng trong các ngành công nghiệp này lại có những dấu hiệu chững lại. Tăng trưởng số lao động nửa đầu năm tăng 5,9%, thấp hơn mức 6,6% năm 2015 và chỉ tương đương tăng trưởng trong quý I.

Lao động suy giảm chủ yếu trong khu vực ngoài nhà nước và khối DN FDI. Tăng trưởng việc làm giảm lần lượt từ mức 4,4% và 10,5% xuống tương ứng còn 3,6% và 8,9%. Cộng dồn 6 tháng đầu năm, có 54,5 nghìn DN được đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt 427,8 nghìn tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân mỗi DN đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2%. Tuy nhiên, chỉ có 322,9 nghìn việc làm được tạo ra trong các DN đăng ký, giảm 16,4% so với quý II/2015. Cùng với đó, tình hình lao động sử dụng trong các ngành công nghiệp chế tạo quý II/2016 có dấu hiệu chững lại.

Ảnh minh họa.                                                  Nguồn: Internet.

Báo cáo của VEPR cũng đề cập, trong quý II, kinh tế 4 tỉnh miền Trung bao gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chịu ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng cá chết hàng hoạt. Có ít nhất 70 tấn cá tự nhiên của các địa phương này đã chết và trôi dạt vào bờ, ảnh hưởng không chỉ hoạt động đánh bắt cá, mà cả các hoạt động kinh tế khác. Theo đánh giá của VEPR, thứ nhất, hiện tượng này tác động trực tiếp tới những ngành có liên quan như nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, nghề nuôi, và ngành du lịch. Thứ hai, trong trung và dài hạn, nhiều ngành khác trong nền kinh tế sẽ chịu tác động lan tỏa dây chuyền sau những tác động trực tiếp. Ngoài ra, những thiệt hại về môi trường biển, nguồn lợi thủy sản, uy tín chỉ dẫn địa lý, sinh kế người dân và gắn kết xã hội và lâu dài, to lớn và rất khó đánh giá. VEPR cho hay, theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng 263.000 lao động bị ảnh hưởng sau thảm họa cá chết, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp.  VEPR cũng phân tích, bước sang quý 2, Chính phủ mới thành lập đã đưa ra nhiều thông điệp thể hiện quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Tuy nhiên, các mục tiêu đưa ra trong Nghị quyết, như đóng góp của khu vực tư nhân chiếm 48- 49% GDP vào năm 2020, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm là những mục tiêu khá cao.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, trong nước, công nghiệp suy giảm khiến tình hình tăng trưởng nửa đầu năm nay không đạt được như kỳ vọng. Dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, VEPR tiếp tục khẳng định mục tiêu tăng trưởng 6,7% là không thể đạt được, khả năng chỉ đạt mức 6% hoặc thấp hơn. “Khả năng lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền đang có xu hướng được điều chỉnh tăng cao, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm. Các cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 - 20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây”, ông Thành lưu ý.

Bên cạnh đó, Viện trưởng VEPR cũng không quên bày tỏ sự lạc quan khi đưa ra chỉ số PMI của quý II/2016 là điểm sáng quan trọng đầu tiên, cho thấy khu vực sản xuất của Việt Nam đang từng bước được cải thiện. Thứ hai, DN đã có không gian phát triển mới, khi Chính phủ bước những bước đi đầu tiên vững chắc trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Và 30.700 DN mới đã ra đời trong quý II vừa qua; vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cả về vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân; xuất khẩu tăng nhẹ; cán cân thương mại cân bằng... cho thấy rõ thành tựu từ những thay đổi trên.

Trong khi đó, do thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định, NHNN đang có những điều kiện thuận lợi để ổn định tỷ giá một cách chủ động, tâm lý đầu cơ trên thị trường không còn lớn. Mặt bằng lãi suất dần ổn định sau khi Thông tư 06 được NHNN ban hành. Thị trường BĐS cũng ổn định cả về nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ. “Thông tư 06 đã làm mềm các cú sốc chính sách. Đây là cách làm phù hợp”, TS Thành đánh giá.

TS Vũ Đình Ánh lưu ý, nếu tiếp tục tăng trưởng dựa vào vốn, bằng tăng đầu tư nhà nước thì hiệu quả thấp và làm tổng đầu tư tăng. Nếu tăng trưởng nhờ tăng xuất khẩu thì xuất khẩu 6 tháng chỉ tăng 5,9% trong 6 tháng, thì nửa cuối năm lấy đâu ra mà tăng đủ? Và nếu để đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải bơm vốn vào nền kinh tế thì nhiều rủi ro vĩ mô sẽ xảy ra. Do đó, đưa ra các khuyến nghị về quan điểm chính sách tại thời điểm này, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao, bởi nếu bất ổn vĩ mô tái diễn thì cái giá phải trả sẽ đắt hơn nhiều. 

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh