THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:05

Sẽ bổ sung nhiều quy định tiến bộ hơn cho lao động nữ

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì buổi họp

Tại buổi họp, các đại biểu tập trung góp ý vào 9 vấn đề, gồm: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; Chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động (NLĐ) đủ điều kiện hưởng lương hưu; Mức lương tối thiểu; Tăng thời giờ làm thêm; Tuổi nghỉ hưu; Việc báo trước khi tiến hành thanh tra lao động; Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp; Quy định về thương lượng tập thể ở cấp ngoài doanh nghiệp; và giải quyết tranh chấp lao động…. Trong đó, nội dung nhiều đại biểu quan tâm, góp ý là độ tuổi nghỉ hưu. Điều 187, Bộ luật Lao động hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, quy định như Bộ Luật Lao động cũ hiện nay không còn phù hợp. “Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định đóng hưởng BHXH như hiện nay thì quỹ hưu trí, tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn”, ông Chính khẳng định.

Cũng theo ông Chính và nhiều đại biểu, để điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu cho phủ hợp, cần xét đến nhiều yếu tố, như: ngành nghề, lĩnh vực công việc, “công việc của thợ mỏ khác với công việc của giáo viên, điều dưỡng viên”, ông Chính nói.

 Đồng tình với quan điểm là phải tăng tuổi nghỉ hưu, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ một thực tế, đó là tình trạng nhiều người nghỉ hưu sớm nhưng sau nghỉ lại tiếp tục tham gia vào thị trường lao động. “Lúc này họ được hưởng hai lương, lương hưu và lương hàng tháng mà người sử dụng lao động trả. Những trường hợp này thường là những người có tay nghề cao, vẫn đủ sức khỏe để cống hiến. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn đến quỹ lương hưu mất cân đối, mà chúng ta lại không tận dụng được trí tuệ, kinh nghiệm của những người này”, ông Liệu phân tích.

Liên quan đến việc thành lập tổ chức đại diện của NLĐ trong doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Tổng LĐLĐ được quy định trong dự thảo Luật, ông Mai Đức Chính cho rằng, đây là vấn đề khó, lại là lần đầu thực hiện nên chỉ đưa ra nguyên tắc trong Luật, còn quy định cụ thể thì nên để Chính phủ quy định.

Đồng quan điểm, đại biểu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói: “phương án lâu dài, mang tính đi trước đón đầu, việc đưa quy định thành lập tổ chức đại diện của NLĐ trong doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Tổng LĐLĐ là phù hợp với luật pháp quốc tế, bởi trong tương lai Việt Nam sẽ tham gia nhiều các hiệp hội kinh tế, khi đó chúng ta không mất công để sửa đổi Luật lần nữa”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đồng tình và thống nhất cao với các quan điểm nên thành lập tổ chức đại diện của NLĐ trong doanh nghiệp nằm ngoài tổ chức Tổng LĐLĐ. “Tuy nhiên, trong Luật, tổ chức này chỉ dừng lại ở nguyên tắc, còn trong quá trình thực hiện, có sự thay đổi như thế nào thì giao Chính phủ quy định cụ thể”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nói.

Về tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần lấy ý kiến của NLĐ trong từng điều kiện cụ thể, xem xét nguyện vọng của đối tượng khác nhau để có tính toán cho lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể, đảm bảo bình đẳng và công bằng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến thêm về vấn đề tăng giờ làm thêm để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của quá trình hội nhập nhưng làm sao đảm bảo phù hợp với thể chất của lao động Việt Nam.

Kết luận buổi họp, Bộ trưởng đề nghị các thành viên ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến theo từng nhóm đối tượng, doanh nghiệp, cán bộ công chức, NLĐ; xem xét đánh giá tác động của xã hội để từ đó có phương án xây dựng Luật tốt nhất, để Luật đi vào cuộc sống, đảm bảo tính công bằng và khả thi khi thực hiện.

VĂN NGHĨA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh