CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:27

Lao động ngành du lịch điêu đứng vì Covid-19

Doanh nghiệp điêu đứng

Ngày 28/1/2021, Việt Nam ghi nhận 82 ca nhiễm Covid-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh, rồi liên tiếp các ca nhiễm tăng khiến du khách đồng loạt hoãn, hủy tour du lịch đã đăng ký trước đó.

"Điều này một lần nữa làm chồng chất khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch khi phải hoàn lại tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn đối với khách hàng trong khi vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Khánh cho biết.

Lao động ngành du lịch điêu đứng vì Covid-19 - Ảnh 1.

Khu du lịch Đầm Sen (TP.HCM) đìu hiu thời Covid-19.

Anh Phạm Quang Trung (phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, anh tích góp được một chút vốn, cùng sự giúp đỡ của anh em trong gia đình và vay thêm một khoản từ ngân hàng để kinh doanh khách sạn bằng hình thức thuê lại khách sạn cũ đầu tư nâng cấp rồi cho thuê với mong muốn sinh lời.

Tháng 8/2019, anh Trung đã thuê được khách sạn Nhật Hoàng tại quận 4, TP.HCM với giá thuê 7.000 USD/tháng. "Tôi suy nghĩ và tính toán với dự tính sau khi sửa chữa nâng cấp lại và cho thuê căn hộ dịch vụ 40% công suất, số phòng còn lại kinh doanh khách sạn bằng cách tự mình vận hành quản lý để tiết kiệm sẽ có chút lợi nhuận… nhưng bao nhiêu dự tính và khát vọng của tôi đã tan biến khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến. 

Những ngày qua là chuỗi khủng hoảng với tôi khi mất tất cả. Do tôi chưa đủ tiền đóng nên bị chủ khách sạn đuổi, tài sản bị chiếm giữ, cha mẹ và người thân vì tôi mà phải nợ nần dẫn đến suy sụp tinh thần, lo lắng", anh Trung buồn rầu cho biết.

Lao động ngành du lịch điêu đứng vì Covid-19 - Ảnh 2.

Chị Yến (35 tuổi, quê Tiền Giang - nhân viên lái xe du lịch của Tập đoàn Mai Linh) lo lắng vì dịch Covid-19 khiến chị liên tục bị cắt giảm giờ làm.

Theo Tổng cục Thống kê, lao động trong một số ngành dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất.

Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, hiện lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phải nghỉ việc quá lâu, không nhận được sự hỗ trợ, trong khi chi phí sinh hoạt hàng ngày vẫn phải chi, khiến nhiều nhân sự vững tay nghề có xu hướng chuyển hẳn sang một ngành mới.

Điều đáng lo ngại là khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi, ngành du lịch lại đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực để "tái thiết". Vì vậy, cần sớm tìm lời giải cho "bài toán" thiếu hụt nhân lực ngành du lịch càng sớm càng tốt.

Chật vật tìm việc mới

Chị Nguyễn Thị Phượng (28 tuổi, nhân viên khách sạn trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM) cho biết, khách sạn đóng cửa, nhân viên như chị phải lao đi tìm việc mới, nhưng tìm việc ở thời điểm này cũng không dễ dàng bởi tỉ lệ cạnh tranh cao, nhiều người ứng tuyển trong khi nhu cầu tuyển người của doanh nghiệp thấp, lương và đãi ngộ cũng hạn chế.

"Nhiều người bạn phải tìm việc trái ngành, nhưng đi ứng tuyển không đúng chuyên môn và chưa có kinh nghiệm nên nộp đơn khắp nơi mà chưa chỗ nào nhận. Những người may mắn được nhận cũng phải mất 2 tháng thử việc khắt khe. Có nhiều người vì không xin được việc nên phải làm tạm một vài công việc khác như kinh doanh online, bán nước giải khát vỉa hè… hoặc về quê", chị Phượng tâm sự thêm.

Với những lao động trẻ có ngoại hình vẫn còn lợi thế, nhưng với những người trung niên vấn đề xin việc làm mới là "ác mộng".

Lao động ngành du lịch điêu đứng vì Covid-19 - Ảnh 3.

Lao động thất nghiệp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tìm việc làm mới.

Lau vội mồ hôi khi vừa hoàn thành cuốc xe ôm, anh Nguyễn Văn Lý (46 tuổi, ngụ Bình Dương) trầm ngâm: Trước đây anh làm việc cho công ty lữ hành, hàng ngày anh chở khách đi tham quan các địa điểm du lịch ở TP.HCM và các tỉnh lân cận khi khách đặt tour. Tuy nhiên hơn 1 năm nay công ty lầm cảnh khó khăn buộc phải cắt giảm nhân sự nên 2/3 nhân viên phải nghỉ việc.

"Sau khi nghỉ việc tôi đã cầm hồ sơ đến xin việc nhiều nơi nhưng đều nhận được những cái lắc đầu, người ta bảo phần vì tôi không có kinh nghiệm trong lĩnh vực họ cần tuyển, cũng một phần vì tuổi tôi đã trên 40…", anh Lý đượm buồn nói.

Là lao động chính trong gia đình, nên dù chạy khắp nơi vẫn không xin được việc, anh Lý tạm hành nghề xe ôm công nghệ. Nhưng vì chưa sành công nghệ nên giai đoạn này anh cũng gặp không ít khó khăn trong việc nhận khách nên mỗi ngày thu nhập cũng chỉ từ 150.000  - 200.000 đồng.

Hoàn cảnh của chị Phượng, anh Lý cũng chính là tình hình chung mà rất nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch đang phải trải qua.

Trước thực trạng này, Hiệp hội Du lịch TP.HCM kiến nghị với các ngành chức năng có chủ trương linh hoạt hơn nữa để doanh nghiệp cầm cự vượt qua đại dịch. Đó là, miễn hoặc giảm 50% thuế GTGT cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021; cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp BHXH năm 2021 đến hết tháng 6/2022, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi BHTN năm 2021.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh