THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:04

5 công việc bị đe dọa trong cách mạng 4.0

 

Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn khoa học công nghệ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển trên nền tảng tích hợp hệ thống số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi phương thức sản xuất của thế giới. Cuộc cách mạng này sẽ tác động mạnh mẽ lên toàn bộ mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường. Nó sẽ có tác động tích cực trong dài hạn nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức và yêu cầu điều chỉnh, thay đổi trong ngắn đến trung hạn.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng 5 công việc mà người lao động bị đe dọa và thách thức việc làm lớn nhất là: công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), tài xế taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). Trong khi đó, nhóm 5 công việc khó mất vào tay robot nhất là: bác sỹ/y tá (3%), luật sư (4%), nhà báo(5%), nhà nghiên cứu (6%), nông dân (11%).

Theo báo cáo của của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) dự báo trong 2 thập niên tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có VN, có nguy cơ mất việc vì robot. 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép ở VN có nguy cơ cao mất việc (Báo cáo ILO - 7/2016). Hiện nay, ngành dệt may và giày dép Việt Nam đang bị kẹt giữa: lao động ở Campuchia, Bangladesh, Myanmar (giá rẻ hơn) và người máy, quá trình tự động hóa có chi phí giảm nhanh ở các nước phát triển. Trong khi, ở Việt Nam, các ngành này tạo việc làm cho nhiều lao động (dệt may: 2,3 triệu; giày dép: 0,98 triệu). Lao động trong 2 ngành chiếm 6,2% tổng lực lượng lao động và 13,7% việc làm phi nông nghiệp.

Trước cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi toàn bộ, làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ cũng như lợi thế địa kinh tế.

Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng kế hoạch, chiến lược tổng thể nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trọng tâm của các kế hoạch, chiến lược này là tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Những lĩnh vực được ưu tiên ứng dụng công nghệ cao như: du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp, công nghệ sinh học, dược liệu, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư, phát triển các thiết chế khoa học công nghệ.

Đến với Diễn đàn, các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang theo những băn khoăn, trăn trở về việc làm sao để thay đổi, thích ứng với xu thế mới của thế giới. Những vấn đề như: Doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất như thế nào để bắt kịp cuộc cách mạng 4.0? Giải pháp nào để doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế trở thành doanh nghiệp số? Doanh nghiệp sẽ được ưu tiên những gì theo chính sách của Chính phủ? Đối với đội ngũ lao động truyền thống, sự đào thải là tất yếu, vậy Chính phủ và tỉnh sẽ có những chính sách gì để giúp đỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động?....

 

Theo các chuyên gia, công nhân trong các nhà máy, nhất là công nhân may mặc đối diện với nguy cơ mất việc lớn nhất trong cuộc cách mạng 4.0.

 

Theo diễn giả Nguyễn Chí Thành, Thành viên Hội đồng Khởi nghiệp Quốc gia, Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về công nghệ vì thế tất cả các môi trường đều bị tác động sâu sắc. Để thích ứng, cả doanh nghiệp hiện hữu lẫn doanh nghiệp khởi nghiệp đều phải đổi mới sáng tạo. Mặt khác, đổi mới sáng tạo phải đi đôi với ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh cũng như các mô hình hiện đại.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ của chính quyền, theo ông Thành, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký duyệt là điểm tựa cho các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.

Để bắt kịp xu thế mới của thế giới, theo các chuyên gia, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, Việt Nam nói chung cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi số; thực hiện quản trị thông minh; xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng; tạo nguồn nhân lực số; xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, di lịch thông minh; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng đô thị thông minh. Mặt khác Thừa Thiên Huế cũng cần cởi bỏ trói buộc, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Cần cải cách giáo dục - đào tạo theo hường thị trường…

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng cần đặc biệt chú trọng đầu từ vào các ngành mũi nhọn có tiềm năng lớn. “Miền Trung có những thế mạnh mà dù có đi sau nhưng vẫn có thể về trước. Chẳng hạn như Thừa Thiên Huế có tiềm năng lớn về du lịch và đã xác định lấy ngành này làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Vậy tỉnh hãy tập trung vào phát triển du lịch, làm du lịch công nghệ cao. Tôi tin nếu chúng ta đầu tư có trọng điểm vào những ngành, những nghề có tiềm năng, có lợi thế thì ắt sẽ thành công và bắt kịp với xu hướng mới của thế giới”, ông Trần Đình Thiên phát biểu.

 

Để bắt kịp xu hướng, Thừa Thiên Huế nên xây dựng ngành du lịch theo hướng du lịch thông minh.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh