THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:04

Tọa đàm quốc tế “Vietnam HR Awards 2017”: Nâng tầm Quản trị Nhân sự thích ứng Cách mạng 4.0

 

Ông Nguyễn Trung Chính, bà Tống Thị Minh trao Kỷ niệm chương cho các diễn giả là lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn.

 

Tham dự  Chương trình có Quyền Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội, Trưởng Ban tổ chức Chương trình “Vietnam HR Awards” Nguyễn Trung Chính; Cục trưởng Cục Quan hệ  Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) Tống Thị Minh; TGĐ công ty Talentnet Tiêu Yến Trinh cùng lãnh đạo của hơn 400 doanh nghiệp và chuyên gia nhân sự cấp cao trong và ngoài nước với sự hiện diện của 9 diễn giả hàng đầu.

Doanh nghiệp trước dòng chảy công nghệ số

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Quyền Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội, Trưởng Ban tổ chức Chương trình “Vietnam HR Awards” Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: “Với mục tiêu kết nối và nâng tầm cộng đồng nhân sự Việt, Vietnam HR Awards với chuỗi hoạt động đa dạng chuyên sâu từ năm 2014 đến nay luôn tìm kiếm những chủ điểm nội dung cập nhật, nhằm mang đến cái nhìn toàn cảnh, cấp thiết về chiến lược nhân sự tại các doanh nghiệp. Năm nay, tọa đàm quốc tế với chủ đề “Nguồn lực tinh hoa -Công nghệ bứt phá”, Báo Lao động và Xã hội cùng Công ty Talentnet mong muốn cùng các doanh nghiệp chia sẻ, khai thác những thông tin cập nhật nhất về cách thức hoạch định nguồn lực hiệu quả thông qua các ứng dụng công nghệ cải tiến. Cũng chính vì uy tín của giải thưởng nên “Vietnam HR Awards” đã dành được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam đăng ký tham dự và đạt giải thưởng danh giá như: Unilever, HSBC, BAT, Nestle, IBM, FPT, DXC, Novaland, Thế Giới Di Động, Techcombank...

 

Quyền Tổng biên tập, Trưởng Ban tổ chức Nguyễn Trung Chính phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.

 

Thế giới đang chuyển động và chuyển biến không ngừng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự thay đổi liên tục để thích ứng và phát triển. Cùng với dòng chảy công nghệ trong cuộc sống, người lao động đang đặt ra nhiều đòi hỏi về sự hiện diện và cải tiến công nghệ ngay trong chính tổ chức của mình. Tuy nhiên, dù công nghệ tạo ra những đột phá mới mẻ trong doanh nghiệp, yếu tố con người vẫn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là trong chiến lược nhân tài.

 

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software: Thay đổi cách quản trị nhân lực trước cuộc cách mạng công nghệ số

 Trong năm 2017, FPT tuyển dụng hơn 5.000 lao đông có trình độ đại học trở lên, trong vòng 3 năm tới Công ty sẽ tuyển dụng thêm 20.000 lao động. Việc tuyển dụng của chúng tôi một phần dựa vào sự phân tích, tìm hiểu con người qua việc lấy thông tin công khai của người dùng facebook. Đây là một trong những cách tuyển dụng mà chúng tôi đang làm - đó là dựa vào công nghệ.  Tại Việt Nam, hiện có 63 triệu tài khoản facebook.  Tôi cũng cho rằng, trong 10 năm tới rất nhiều lao động có thể sẽ mất việc khi robot dần thay con người. Đây là ảnh hưởng từ công nghệ. Hiện nay công nghệ làm thay đổi cả thế giới, thay đổi cả cách quản trị nhân lực, nên chúng ta cần chuẩn bị trước vấn đề này.

 

Theo các diễn giả, kỷ nguyên công nghệ đang cùng lúc tạo ra cơ hội và cả thách thức cho các doanh nghiệp trong quá trình nâng tầm và quản lý nguồn lực của mình. Khi công nghệ lên ngôi và trở thành cánh tay đắc lực trong công tác vận hành, hỗ trợ và dần thay thế một số vai trò của con người trong tổ chức thì việc quản trị nguồn nhân lực dần trở thành tâm điểm chủ chốt trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Không chỉ giúp nâng cao hiệu quả làm việc, đơn giản hóa và tự động hóa các quy trình, công nghệ còn giúp tổng hợp các dữ liệu cần thiết trong việc đánh giá, phân tích để từ đó đưa ra những quyết sách tốt hơn cho định hướng phát triển của doanh nghiệp. Cũng chính vì thế, khi xét đến công tác quản trị nguồn lực vốn là hệ xương sống của bất kỳ một doanh nghiệp nào, công nghệ mang đến những tác động to lớn, đặc biệt với hai chiến lược chủ chốt Quản trị nhân tài và Nâng cao năng lực lãnh đạo.

 

Ông Lee Murphy, Giám đốc nhân sự cấp cao Microsoft khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về quản trị nhân sự.

 

Ông Marco Breu, TGĐ điều hành McKinsey & Compan; ông Drek Goldberg, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Hong Kong  - Tập đoàn Aetna International; bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam tại tọa đàm.

 

Sử dụng công nghệ để thu hút nhân tài

Tại tọa đàm, hầu hết các diễn giả khi được hỏi đâu là sự quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài? Chia sẻ tại tọa đàm, các diễn giả đều có điểm chung là cần truyền thông về công ty đến nhân viên bằng nền tảng công nghệ cơ bản. Ông Marco Breu - Đối tác điều hành - McKinsey & Company cho biết: “Chúng ta phải truyền thông, sử dụng công nghệ email hay trực tuyến để trao đổi với nhân viên. Thế hệ trẻ lúc nào cũng muốn giao lưu, thường xuyên tương tác bằng nhiều cách trong đó có trực tuyến, email... làm cho nhân viên thấy được sự quan tâm của công ty với mình. Tôi cho rằng cách này đi vào lòng người, giúp nhân viên có tính gắn kết với công việc và công ty, Việt Nam ngày càng có xu hướng linh hoạt hơn trong việc sử dụng công nghệ, sử dụng tốt sẽ rất hữu ích trong việc níu giữ người lao động, bất kể doanh nghiệp lớn hay nhỏ”. Đồng quan điểm trên, ông Derek Goldberg, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Hong Kong  - Tập đoàn Aetna International  cũng cho rằng, lãnh đạo công ty phải  thường xuyên tương tác với nhân viên qua công nghệ. Linh hoạt, trao đổi thường xuyên và hướng họ vào suy nghĩ “đóng góp gì cho công ty”. Bằng việc tương tác truyền thông thường xuyên sẽ tạo sự gắn kết bằng niềm tin. Truyền thông phải hướng đến sứ mệnh, tầm nhìn công ty cho nhân viên và sử dụng truyền thông bằng công nghệ.

Về vấn đề làm thế nào để tuyển dụng đúng người và sử dụng đúng tài năng? Ông Marco Breu nêu quan điểm: “Chúng ta phải hiểu động cơ của từng thế hệ, tôi di chuyển khá nhiều qua các vị trí khác nhau, nhiều công ty khác nhau. Với tôi luôn luôn tìm kiếm câu hỏi lớn nhất là làm gì cho tổ chức, công ty mình? Vì vậy, truyền thông rõ ràng về công ty mình cho nhân viên, để họ tin về lộ trình của họ tại công ty”. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam thì cho rằng, đây là thách thức lớn. Chúng ta cần lập kế hoạch trong 5 năm, 10 năm, tức là kế hoạch đường dài để đào tạo nhân tài khi thu hút họ về. Điều này rất hữu ích cho thị trường lao động. Trong khi đó, ông Lee Murphy, Giám đốc nhân sự cấp cao Microsoft khu vực châu Á - Thái Bình Dương  khẳng định, công nghệ giúp ích rất nhiều cho lãnh đạo trong việc quản trị doanh nghiệp và quản trị nhân lực. Song song đó, muốn doanh nghiệp phát triển thì người lãnh đạo cần có sự nhất quán, nhất quán trong văn hóa, nhất quán trong cả hành vi và lời nói, phải tạo điều kiện để nhân viên phát huy hết khả năng của mình.

Bên lề tọa đàm, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Công ty Suntory Pepsico chia sẻ: Qua buổi tọa đàm của các chuyên gia, tôi học được nhiều vấn đề trong việc sử dụng Công nghệ 4.0 về quản lý nhân sự. Theo tôi, hiện nguồn nhân lực đang dần gặp khó khăn với nguồn nhân lực trẻ xuất hiện, vì vậy việc cân bằng  giữa hai nguồn nhân lực trẻ và lâu năm là rất quan trọng. Còn ông Đỗ Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa Quản trị - đơn vị lần đầu tiên tham dự chương trình đã rất ấn tượng với     Vietnam HR Awards 2017 từ khâu tổ chức đến các diễn giả tham dự sự kiện. Ông cho biết, đây là cơ hội lớn để ông học hỏi từ các diễn giả qua những chia sẻ, kinh nghiệm hay việc áp dụng Công nghệ 4.0 trong quản lý nhân sự.

 

Bà Tiêu Yến Trinh, TGĐ Công ty Talentnet, Phó trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức: Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong dòng chảy công nghệ số

Với mong muốn chung tay xây dựng một cộng đồng nhân sự lớn mạnh cho thị trường lao động tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong thời khắc giao thoa chuyển mình, hòa vào dòng chảy số hóa trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 trên toàn cầu. Công nghệ cải tiến đang đòi hỏi một nguồn lực ngày một sáng tạo với chỉ số EQ cao, tư duy chiến lược, óc phân tích sắc bén để đáp ứng được những thách thức phức hợp của thời đại. Mong đợi của doanh nghiệp về những kỹ năng cần có của một nhân tài và lãnh đạo hoàn toàn khác so với những năm trước, song song đó là áp lực phải sở hữu chiến lược quản trị nguồn lực để theo kịp mức độ cạnh tranh của nguồn lực lao động toàn cầu. Hiểu được những mong mỏi từ các doanh nghiệp, Vietnam HR Awards Forum 2017 mang đến những sáng kiến, lộ trình tham khảo giúp các doanh nghiệp bước đầu dấn thân vào mô hình “công nghệ hóa” toàn diện.

 

Bà Tiêu Yến Trinh, TGĐ Công ty cổ phần Kết nối Nhân tài trao quà lưu niệm cho diễn giả Lim Lai Cheng, Giám đốc điều hành của SMU.

 

Ông Marco Breu, TGĐ điều hành McKinsey &Compan trả lời phỏng vấn báo chí.

 

Nâng tầm nguồn lực Việt trên trường quốc tế

Nằm trong khuôn khổ sự kiện, tọa đàm quốc tế “Vietnam HR Awards Forum 2017” đánh dấu hợp tác chiến lược chính thức giữa Talentnet và Singapore Management University - SMU Academy. Theo đó, Talentnet sẽ tổ chức các buổi hội thảo và tọa đàm chuyên đề về Quản trị Nguồn nhân lực dành cho Cấp lãnh đạo với sự hướng dẫn của giảng viên từ SMU Academy. “Chúng tôi xem đây là cột mốc đầy hứa hẹn không chỉ với Talentnet mà còn với cộng đồng nhân sự tại Việt Nam trong việc tiếp cận các nội dung chuyên sâu, bài bản nhưng không kém phần thực tế, hiện đại và tiên tiến mang tầm khu vực đến từ chính các chuyên gia đầu ngành tại SMU Academy. Đây là bước tiến lớn để Việt Nam đang dần từng bước hòa nhập và bắt kịp xu hướng của khu vực”, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet chia sẻ.

 

TS Lim Lai Cheng, Giám đốc điều hành Singapore Management:

Robot không thể giúp chúng ta nghĩ ra chiến lược công nghệ

Toàn cầu hóa hiện nay khiến chúng ta làm việc với nhiều người khác nhau, nhiều khu vực khác nhau, đa thế hệ, đa quốc gia. Chúng ta đang  đối diện với một thế hệ trẻ không muốn trói chân mình trong một công việc duy nhất. Cần tạo cho họ những động cơ khác nhau. Họ là những người được sinh ra trong thế giới công nghệ phát triển, họ làm việc hòa lẫn trong sắc tộc, thế hệ, nhưng một điều chung là công nghệ chiếm ưu thế chủ lực. Trong một khảo sát các CEO mới đây, hầu hết đều cho biết công nghệ là tài sản có giá trị hơn con người. Tuy nhiên theo tôi, con người vẫn làm chủ công nghệ, chúng ta hiểu và cần công nghệ cho việc gì, làm gì. Robot không giúp chúng ta nghĩ ra được chiến lược công nghệ.

Công ty trong thế giới ngày nay phải linh hoạt trong mọi chiến lược thu hút và giữ nhân tài. Luôn tạo ra giá trị theo hướng phát triển, đáng tin cậy cho tài năng để giữ chân họ. Ngoài việc họ đã có kinh nghiệm dày dạn, thể hiện tự nhận thức và  ý thức rất cao, có khả năng quản lý rủi ro đi chệch hướng. Tóm lại, cụm từ “sự nhạy bén” là từ đầu tiên cho thấy có khả năng thành công hay không của một nhân tài.

 

TS Lim Lai Cheng, Giám đốc điều hành của SMU cũng bày tỏ: “Hợp tác này mang đến niềm vui lớn lao cho tất cả đội ngũ chuyên gia của chúng tôi tại SMU Academy. Việt Nam đã và đang định hình mình là một quốc gia trọng điểm với một nguồn lực dồi dào và vô cùng tiềm năng. Chúng tôi đã không khỏi bất ngờ khi chứng kiến mức độ quan tâm cũng như tâm huyết mà các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam đang sẵn sàng đầu tư cho việc phát triển nguồn lực, với mục tiêu sở hữu một nguồn lực tinh hoa và đủ sức cạnh tranh với mặt bằng quốc tế. Do đó, việc được cùng tham gia với Talentnet để kết nối các doanh nghiệp, CEO cũng như chuyên gia HR trong tầm nhìn nâng cao tư duy chiến lược ở góc độ hội nhập quốc tế là một vinh dự và cũng là may mắn của chúng tôi”.

Có thể nói, giữa cơn bão công nghệ đang dâng cao, chiến lược nhân sự hiệu quả sẽ giống như cánh diều no gió, có thể thừa thế vút bay để tiến cao hơn và xa hơn. Song, để cánh diều không bị kéo căng đứt chỉ thì tầm quan trọng trong nghệ thuật “giật dây” một cách linh hoạt của các chuyên gia nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đón đầu xu thế? Đúng, nhưng chưa đủ. Để đạt được mục tiêu phát triển tổ chức với hiệu quả ưu việt, hãy đón đầu xu thế với tầm nhìn chiến lược song hành cùng kế hoạch quản trị nhân sự phù hợp với chiến lược kinh doanh.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam: Đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với công nghệ

Trong 20 - 25 năm qua, chưa thật sự xuất sắc nhưng chúng tôi rất hài lòng về quản lý nhân sự của mình. Tôi cho rằng, trong top 100 công ty hàng đầu khu vực châu Á, trong đó có nhiều công ty Việt Nam đã cho thấy các công ty ở Việt Nam có sự quản lý nhân tài tốt. Thế giới hôm nay có sự kết nối rất mạnh mẽ, người tiêu dùng Việt Nam cũng kết nối mạng xã hội rất cao, lượng mua sắm hàng hóa trên mạng ngày càng tăng. Điều này khiến các doanh nghiệp phải thích nghi với công nghệ, tăng cường hơn nữa sự cạnh tranh của mình. Mô hình kinh doanh mới như: Uber, Grap là minh chứng... Nếu chúng ta không tận dụng công nghệ thì khó tồn tại trong thời đại công nghiệp hiện nay. Unilever hiện tăng cường kết nối với khách hàng trực tuyến. Kiểu dịch vụ truyền thống không đủ sức cạnh tranh. Chính vì vậy, chúng tôi tập trung đào tạo nguồn lực phù hợp với công nghệ hiện nay trong quản lý và dịch vụ bán hàng. Bởi thực tế, tất cả công nghệ hiện đang là thay đổi mô hình kinh doanh trên toàn thế giới.

 

Quyền Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội, Trưởng Ban tổ chức “Vietnam HR Awards Forum 2017” Nguyễn Trung Chính:

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt

Để tiếp cận và thích ứng với Cách mạng Công nghệ 4.0, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của hợp tác và cạnh tranh trong thị trường lao động không biên giới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động, cần phát triển mạnh thị trường nhân lực chất lượng cao, nhất là lao động kỹ thuật và nhân lực quản trị kinh doanh.

Trong Cách mạng Công nghệ 4.0, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp được xác định vai trò mới là hai chủ thể của quá trình đào tạo. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp với mô hình hợp tác “Trường - Doanh nghiệp” sẽ tạo nên sản phẩm là nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với yêu cầu của doanh nghiệp, đó chính là chìa khóa để người lao động học nghề, tìm việc làm và thăng tiến trong thị trường lao động xuyên quốc gia. Tọa đàm là dịp để các lãnh đạo doanh nghiệp cùng các chuyên gia nhân sự cấp cao, diễn giả hàng đầu trong và ngoài nước có cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm quản trị nhân sự hay và thiết thực. Qua đó góp phần nâng cao chuẩn mực của quản trị nhân sự tại Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp và bài bản, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của doanh nghiêp, cộng đồng và xã hội.

ĐINH HOA, PHA LÊ, TIẾN SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh