Người lao động còn mơ hồ về "Cách mạng 4.0"
- Dược liệu
- 20:57 - 01/06/2017
Giờ tan ca của công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long.
Từ năm 2015 tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Đức là nước giới thiệu khái niệm “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (gọi tắt "Cách mạng 4.0") từ đó đến nay trở thành khái niệm quy mô toàn cầu, tác động đến mọi mặt của kinh tế xã hội. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay chung của cả thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát dựa trên ba lĩnh vực chính là: kỹ thuật số, công nghệ sinh học, vật lý. Đặc trưng của Cách mạng 4.0 là nhiều công đoạn sản xuất sẽ được thay thế bằng máy móc, được cho là mối đe dọa với lực lượng lao động trình độ thấp và trung đang làm việc trong các nhà máy gia công.
Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành khái niệm được cả xã hội quan tâm, Chính phủ ra sức chỉ đạo, các bộ ngành vào cuộc, báo đài đưa tin… Song đó mới chỉ là một phần của câu chuyện, câu hỏi đặt ra là một trong những nhân tố quan trọng chịu ảnh hưởng lớn của cách mạng công nghiệp 4.0 là những người công nhân, liệu họ đã có nhận có nhận thức đầy đủ về những thách thức và cơ hội mà trong thời đại mới hay chưa?
Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Đức Việt, sinh năm 1996 quyết định lên Hà Nội tìm việc và xin vào công ty DENSO Việt Nam tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long làm công nhân với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Khi được hỏi về khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 và khả năng máy móc sẽ dần thay thế công việc của mình đang làm? Việt ngập ngừng trả lời “em đã nghe qua nhưng không thực sự hiểu về nó”. Và cho rằng “máy móc không bao giờ thay thế được con người, nên không sợ sẽ mất việc vì máy móc”.
Lao động phổ thông đang thiếu việc làm, còn doanh nghiệp lại đang thiếu lao động có tay nghề.
Cũng đồng quan điểm đó thì chị Nguyễn Thu Hà và Phan Huyền Trang là công nhân công tại khu công nghiệp Phố Nối A chia sẻ ” theo quan điểm của mình thì robot và máy móc chỉ là phần nào thôi, còn lại chắc chắn vẫn cần trực tiếp con người làm. Nếu có thì chỉ có những nước phát triển hơn người ta có thể nhập những máy móc hiện đại đó, còn ở mình chưa có điều kiện nên cũng chưa nghĩ đến”. Đó có thể là suy nghĩ của rất nhiều công nhân hiện nay mà không chỉ riêng mình Việt, Hà và Trang.
Tuy nhiên, nguy cơ thất nghiệp của người lao động không còn là điều viển vông xa vời. Theo số liệu của tổng cục thống kê thì số người thất nghiệp quý 1/2017 khoảng 1,14 triệu người. So với cùng kỳ năm trước thì tăng thêm hơn 20 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,08%. Trong đó có tới hơn 500 nghìn thanh niên từ 15-24 tuổi bị thất nghiệp, quả thực là một con số đáng báo động.
Có một nghịch lý đó là, tỉ lệ lao động phổ thông thất nghiệp cao, song nguồn nhân lực vẫn đang thiếu. Dạo quanh các trang tuyển dụng, bảng tuyển dụng tại các khu công nghiệp lớn ở phía Bắc như: KCN Bắc Thăng Long, KCN Phố Nối A…có thể dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp vẫn đang tuyển dụng liên tục để đáp ứng đủ nhu cầu về nhân sự đặc biệt là lao động có tay nghề. Tuy nhiên nhóm nhân lực này lại rất khan hiếm.
Anh Nguyễn Văn Thành công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ, như nhiều lao động khác, trước khi vào công ty anh Thành chưa từng được đào tạo tay nghề, cũng như kinh nghiệm làm việc. Chỉ khi vào làm mới được hướng dẫn công việc cụ thể, trong suốt 2 năm công việc duy nhất anh Thành làm là đứng máy, ngoài ra chưa từng làm công việc nào khác. Với những công việc mang tính chuyên biệt, chỉ là mắt xích nhỏ trong dây chuyền sản xuất, khiến những người như anh Thành rất khó cải thiện kỹ năng tay nghề. Và nếu có chuyển sang công ty khác làm việc thì kinh nghiệm và tay nghề sẽ trở về con số 0.
Nhiều nhà máy ở khu công nghiệp Phố Nối A liên tục đăng tuyển do thiếu lao động có tay nghề.
Một thực tế là những người công nhân lao động giản đơn trong những nhà máy gia công, luôn đứng trước tương lai bất ổn, vì họ là những vị trí dễ bị thay thế bất cứ lúc nào nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc và kỷ luật. Minh chứng là việc các doanh nghiệp dễ dàng đưa ra những chương trình tuyển dụng số lượng lớn có thể lên đến cả ngàn người, nhằm lấp đầy chỗ trống với những vị trí lao động phổ thông không đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm.
Chính vì vậy, trước khi chờ đợi những chủ trương, chính sách vĩ mô của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì bản thân mỗi người công nhân, người lao động cần nâng cao nhận thức, đồng thời không ngừng tự nâng cao trình độ tay nghề, trang bị thêm kỹ năng để đáp ứng được nhu cầu công việc trong thời kỳ mới.