CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:24

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Coi trọng quan hệ đối tác trong phát triển nhân lực

Sau phiên khai mạc, ra mắt Lộ trình thực hiện Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho Thế giới Công việc đang đổi thay và ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN, Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN về "Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay" diễn ra chiều qua (16/9) với 4 phiên thảo luận chủ đề.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Coi trọng quan hệ đối tác trong phát triển nhân lực - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị.

Thúc đẩy vai trò dẫn dắt của khu vực tư nhân

Thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi quan hệ đối tác trong phát triển nguồn nhân lực, coi đây là một yếu tố quan trọng.

Bởi vậy, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN chú trọng việc xây dựng, thúc đẩy và triển khai hiệu quả nhiều hình thức quan hệ đối tác về phát triền nguồn nhân lực thông qua các kênh hợp tác khác nhau.

Bao gồm: Hợp tác công tư; hợp tác giữa các lĩnh vực liên ngành tại mỗi quốc gia; hợp tác ở cấp khu vực; tăng cường hợp tác giữa từng nước thành viên và cả khối ASEAN với các đối tác song phương, đa phương.

Đáng chú ý, trong thúc đẩy hợp tác công tư, Bộ trưởng thông tin, Việt Nam quan tâm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, giữa khu vực doanh nghiệp và hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Coi trọng quan hệ đối tác trong phát triển nhân lực - Ảnh 2.

Tại điểm cầu Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành.

"Chiến lược phát triển dạy nghề của Việt Nam đã đưa ra các giải pháp nhằm gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và có sự tham gia của doanh nghiệp, từng bước hoàn thiện các quy định để doanh nghiệp là chủ thể của giáo dục nghề nghiệp và tham gia vào tất cả các công đoạn trong quá trình đào tạo", ông Dung cho biết.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, chúng ta cần thúc đẩy vai trò dẫn dắt tiên phong của khu vực tư nhân trong giáo dục và đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao".

Chủ động thích ứng với những thay đổi của thế giới việc làm

Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển nguồn nhân lực và coi đó là 1 trong 3 khâu đột phá bên cạnh việc hoàn thiện thể chế và phát triền hạ tầng.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các đối tác của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng thời gian tới sẽ cùng nhau thúc đẩy hiệu quả quan hệ đối tác nhằm xây dựng nguồn nhân lực ASEAN có tính cạnh tranh cao, đáp ứng trình độ khu vực và thế giới. Từ đó, góp phần xây dựng một cộng đồng chung thịnh vượng và bền vững, đoàn kết và chủ động thích ứng với những thay đổi của thế giới việc làm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Coi trọng quan hệ đối tác trong phát triển nhân lực - Ảnh 3.

Lễ ra mắt Hội đồng Giáo dục Nghề nghiệp Asean.

Nhấn mạnh vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trong khu vực, nhất là đối với nhóm lao động chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, ông Tuan Haji Awang Bin Hashim, Thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia cho rằng: "Để tập trung thúc đẩy, khôi phục nền kinh tế ASEAN trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững là hết sức cần thiết và quan trọng".

Trong đó, theo ông Tuan Haji Awang Bin Hashim, những mục tiêu như: Việc làm xanh, kỹ năng xanh cần phải được thúc đẩy trong lực lượng lao động nội khối. Điều này đòi hỏi những yêu cầu công việc mới, kỹ năng mới, kể cả công nghệ và các chính sách.

"Chúng ta cần nhấn mạnh, đâu là những kỹ năng cần thiết ở tương lai trong khu vực, bao gồm việc đào tạo nghề, tăng cường đào tạo lại, nâng cao lại các kỹ năng cho người lao động", Thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia nêu và nhấn mạnh thêm, qua đó, cộng đồng ASEAN sẽ nâng cao khả năng sinh kế cho người lao động.

Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết phát triển nguồn nhân lực ở khu vực, đặc biệt trong thế giới hậu bệnh dịch.

Các quốc gia ASEAN cũng cam kết một nền tảng văn hóa học tập suốt đời, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề. Đồng thời, thúc đẩy kỹ năng số cho người dân nhằm giúp họ có thể tối đa hóa khả năng của mình trong thời đại công nghệ 4.0.

Bên cạnh việc phải làm sao để người lao động chuẩn bị cho những cú sốc việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp trong thế giới số, theo Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, chúng ta phải hướng tới mục tiêu đảm bảo cơ hội việc làm bền vững cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động ASEAN.

Chung quan điểm, ông Silvestre H.Bello III, Bộ trưởng Lao động và Việc làm Philippines ấn tượng với các kết quả đạt được trong năm ASEAN 2020 của Việt Nam.

Tuy khởi động một năm Chủ tịch trong khó khăn nhưng các Bộ trưởng đã phối hợp, hiện thực hóa các sáng kiến, xây dựng và thông qua Tuyên bố về nhân lực, "trong đó cũng phải kể đến việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN hôm nay, hướng tới phát triển bền vững nguồn nhân lực trong ASEAN của chúng ta", ông Silvestre H.Bello III nói.

Trong phần phát biểu của mình, ông H.E.Isidro Lapeña, Tổng thư ký kiêm Giám đốc, TESDA Philippines, Chủ tịch Hội đồng Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN cho rằng, việc ra đời của Hội đồng sẽ giúp cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong khu vực với việc tăng cường sự tham gia của lĩnh vực doanh nghiệp và các ngành công nghiệp đối với các đầu vào chính sách.

Chủ tịch cũng bày tỏ ghi nhận của mình về sự hỗ trợ và hướng dẫn nhất quán từ các quốc gia thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN, các cơ quan chuyên ngành và cơ quan liên quan.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Coi trọng quan hệ đối tác trong phát triển nhân lực - Ảnh 5.

Tại 4 phiên thảo luận, các Bộ trưởng/diễn giả chia sẻ về những sáng kiến, thành tựu và quan điểm về thúc đẩy quan hệ đối tác về phát triển nguồn nhân lực.

ASEAN: Chung tay xây dựng mối quan hệ đối tác công - tư

Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN gồm 39 thành viên đại diện cho 10 nước ASEAN và Chủ tịch các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN.

Phát biểu bế mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, Hội đồng sẽ phát huy vai trò của mình trong việc điều phối và định hướng sự hợp tác, phát triển của giáo dục nghề nghiệp trong ASEAN thời gian tới. 

Trong tất cả những nỗ lực đó, ASEAN muốn chung tay xây dựng mối quan hệ đối tác công - tư, hợp tác cùng các đối tác quốc tế như ILO, UNESCO và các đối tác đối thoại, phát triển của ASEAN trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách; thực hiện các chương trình về phát triển nguồn nhân lực hiệu quả, chủ động thích ứng với các đổi thay.

Nhân dịp này, Bộ trưởng bày tỏ lời cảm ơn đến các Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các cơ quan chuyên ngành trong ASEAN đã ủng hộ nhiệt thành cho sáng kiến của Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực ASEAN của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Tiếp tục ủng hộ việc hiện thực hoá Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang đổi thay, thông qua việc thực hiện hiệu quả Lộ trình vừa được các Bộ trưởng thông qua, đưa các hoạt động của Lộ trình vào các chương trình hành động của kênh hợp tác lao động và giáo dục ASEAN cũng như ở từng quốc gia.

"Tôi hy vọng nguồn nhân lực ASEAN sẽ được nâng tầm hơn nữa từ những bước đi quan trọng này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tại 4 phiên thảo luận, các Bộ trưởng/diễn giả chia sẻ về những sáng kiến, thành tựu và quan điểm về thúc đẩy quan hệ đối tác về phát triển nguồn nhân lực.

Hội nghị cấp Bộ trưởng về "Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay" đã được tổ chức thành công, góp phần thúc đẩy hợp tác ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực.

Đồng thời đóng góp kết quả cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (sẽ diễn ra vào tháng 11/2020).

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần này được coi là điểm nhấn quan trọng trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam theo ưu tiên đã đặt ra.

Ngoài ra, đây là Hội nghị hết sức đặc biệt, vì lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của cả các Bộ trưởng Lao động ASEAN và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN.



Bài: Thanh Nhung - (Ảnh: Mạnh Dũng)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh