CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:26

Lao động di cư chịu nhiều thiệt thòi

Khó tiếp cận dịch vụ an sinh vì không có hộ khẩu

Báo cáo được thực hiện tại 4 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Đối tượng nghiên cứu là lao động di cư nội địa, làm trong khu vực kinh tế phi chính thức và chính thức, bao gồm người bán hàng rong, công nhân may mặc, điện tử.

Báo cáo cho rằng, các kết quả nghiên cứu di dân cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của lao động di cư (LĐDC) cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 15 tuổi trở lên.

Một bộ phận đáng kể trong số những người LĐDC hiện có công việc thiếu ổn định, bấp bênh, đặc biệt là khu vực phi chính thức. LĐDC ra thành phố làm rất nhiều nghề hoặc việc làm nặng nhọc, độc hại, với trình độ lao động phổ thông, bán hàng rong, giúp việc gia đình... Phần lớn họ làm trong các cơ sở kinh tế thuộc khu vực phi chính thức như các cơ sở kinh tế cá thể, kinh tế gia đình, hoặc tự làm việc nên tỷ lệ được ký hợp đồng lao động thấp, nếu có hợp đồng lao động thì chủ sử dụng lao động cũng ít quan tâm đến trách nhiệm thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH) và các phúc lợi xã hội khác đối với người lao động trong các cơ sở kinh tế thuộc khu vực phi chính thức. 

Đối với LĐDC khu vực phi chính thức, tính chất công việc bấp bênh, mang tính thời vụ cao, phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, thị trường, môi trường xã hội. Trong khi đó, họ lại khó tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương. Với đặc điểm di cư, LĐDC khó được xét cho vay vốn, bởi không đáp ứng được điều kiện đảm bảo tiền vay và quy trình, thủ tục xét duyệt căn cứ trên tình trạng cư trú là sổ hộ khẩu.

“Các khoản tiền cho vay chủ yếu dành cho những hộ nghèo có hộ khẩu thường trú, vì những hộ tạm trú không có nhà cửa ổn định, họ có thể đi nơi khác nên không thể thu hồi vốn được”, một cán bộ phụ nữ TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Mặc dù là đối tượng được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng có tới 13,2% trẻ dưới 6 tuổi con của LĐDC không có BHYT. Một cặp vợ chồng LĐDC có con nhỏ 5 tuổi đang làm công nhân ở Đồng Nai cho biết, con trai họ không có BHYT dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và bố mẹ không biết lấy thẻ BHYT cho con ở đâu. Hiện cháu bé được gửi ở trường mẫu giáo tư nhân gần nơi ở, nhưng họ không biết sau này cháu có được học ở trường công hay không. 

Có 21,2% trong tổng số 52 trẻ được khảo sát trong độ tuổi từ 6-14 theo cha mẹ là LĐDC sinh sống tại nơi đến không đi học. Chỉ có 7,7% trẻ em di cư đi nhà trẻ công lập và 12% trẻ em di cư đi học trường mẫu giáo công lập. Còn lại hầu hết các trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo đều là tư nhân, hoặc các nhóm giữ trẻ tại gia đình.

Nhiều LĐDC thuộc diện nghèo đa chiều

TS Lê Thanh Sang, Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu xem xét từ tiếp cận tới các dịch vụ xã hội cơ bản thì nhiều LĐDC được khảo sát thuộc diện nghèo đa chiều. Kết quả khảo sát cho thấy, trong khi hầu như tất cả người lao động khu vực chính thức có BHXH và BHTN (97,8%), thì ngược lại, hầu như không có ai trong khu vực phi chính thức có những loại bảo hiểm này (99%).

71% LĐDC không tiếp cận được tới dịch vụ y tế công và chỉ có 44% LĐDC có BHYT sử dụng thường xuyên thẻ BHYT. Cách thức điều trị phổ biến nhất khi đau ốm của người LĐDC là tự mua thuốc về uống. Gần một nửa số người LĐDC khu vực phi chính thức nói rằng, họ không có tiền mua BHYT. “Quy định phải mua cùng một lúc cho tất cả thành viên. Nhà 4 người thì phải mua đủ bốn là 2,4 triệu đồng. Tiền đâu mà mua?”, một phụ nữ bán hàng rong ở Hà Nội nói.

Thông tin đến với LĐDC còn thiếu và yếu, đặc biệt là những thông tin gắn liền với việc đảm bảo ASXH cho họ tại địa phương nơi đến. Theo kết quả nghiên cứu, chỉ có 14,3% LĐDC ngành may, điện tử và xây dựng được khảo sát có biết thoả ước lao động tập thể; 27,7% cho biết tại nơi làm việc có tổ chức các buổi đối thoại với công nhân. Ngoài ra, LĐDC cũng tiếp cận thông tin qua các bảng tin niêm yết công khai tại nơi làm việc, trong đó có thông tin về an sinh xã hội như đóng BHYT, BHXH (53,2%), quỹ phúc lợi (29,3%). Ngoài nguồn thông tin này ra, nhiều LĐDC, nhất là LĐDC khu vực phi chính thức không biết tìm hiểu thông tin mình cần ở đâu.

Đa số LĐDC khu vực không chính thức và hầu hết LĐDC khu vực phi chính thức không hiểu biết đầy đủ về các quyền, lợi ích của mình tại nơi làm việc và nơi cư trú. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này là các chính sách an sinh xã hội ít được tuyên truyền, hoặc hoạt động truyền thông không đến được với họ.

Một trong các khuyến nghị mà nghiên cứu đưa ra là chính thức hóa, mô hình hóa các sáng kiến tốt hỗ trợ LĐDC để có thể nhân rộng, phát huy tác dụng của các thực hành tốt về hỗ trợ cho LĐDC của các tổ chức xã hội, các đoàn thể trong nước, có tham khảo và học tập các bài học trên thế giới, tiếp tục sử dụng có hiệu quả trợ giúp kỹ thuật, tài chính của các tổ chức xã hội quốc tế.

 

Khảo sát cho thấy, loại hình nhà ở của hầu hết LĐDC tại các địa bàn nghiên cứu là phòng trọ (chiếm 85%); 5,3% ở tại xưởng; 9,5% ở nhờ nhà người khác và chỉ có 0,25% là ở nhà tự mua, với diện tích bình quân đầu người khoảng 6,6m2/người, kể cả nhà vệ sinh và bếp.

Có đến 37% LĐDC sử dụng nước giếng khoan. Hơn 2/3 LĐDC trong nghiên cứu phải trả tiền nước cao gấp 3 lần, tiền điện cao gấp 2 lần so với người dân địa phương.

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh