Bộ quy tắc ứng xử CoC-VN: Giảm rủi ro cho lao động di cư
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:27 - 19/12/2015
CoC-VN nâng cao trách nhiệm của các DN
Bộ quy tắc CoC-VN là chuẩn mực nghề nghiệp, đạo đức trong hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, đồng thời đó là công cụ nâng cao chất lượng, thương hiệu doanh nghiệp và bảo vệ lao động di cư.
Được biết, việc giám sát, đánh giá xếp loại doanh nghiệp thực hiện CoC-VN đã được thử nghiệm ở 20 doanh nghiệp năm đầu 2012 - 2013, mở rộng ra 47 doanh nghiệp ở năm thứ 2 (2014) và tính đến năm 2015 có 66 DN tham gia. TS Nguyễn Lương Trào cho biết: “Sau mỗi năm thực hiện, VAMAS và ILO đều tổ chức hội nghị đánh giá cao kết quả công bố xếp hạng DN. Việc xếp hạng này nhằm cải thiện việc thực hiện Bộ quy tắc và trách nhiệm của các đơn vị tuyển dụng. Ngoài ra việc xếp hạng cũng khuyến khích tuân thủ pháp luật Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và thương hiệu của các doanh nghiệp , đồng thời bảo vệ NLĐ di cư được tốt hơn”. Cũng theo TS Nguyễn Lương Trào, sau 3 năm thực hiện Bộ quy tắc CoC-VN các DN đã có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động theo hướng chuẩn mực của Bộ quy tắc ứng xử. “Thực tiễn cho thấy, chi phí cho NLĐ di cư đã giảm, chuẩn bị tốt hơn về kiến thức và kỹ năng cho NLĐ trước khi xuất cảnh, quản lí lao động khi ở nước ngoài và hỗ trợ lao động về nước đã tốt hơn”.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thay mặt lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH trao Chứng nhận cho các Cty đạt chứng nhận 5 sao.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Lương Trào, trong quá trình thực hiện, nhiều DN tuyển dụng lẽ ra đã được xếp hạng ở mức cao hơn, nhưng đã mất khá nhiều điểm do NLĐ phàn nàn về mức phí cao. TS Nguyễn Lương Trào cho rằng: “Các doanh nghiệp tham gia thực hiện Bộ quy tắc ứng xử càng sớm thì càng cho thấy có những chuyển biến rõ rệt hơn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ cho NLĐ di cư”. Ông Nguyễn Quang Anh, Tổng giám đốc VINAINCOMEX (DN vừa đạt được xếp hạng 5 sao) chia sẻ: “Từ những phương thức áp dụng trong Bộ quy tắc ứng xử, Cty cũng được các đối tác tin tưởng đầu tư các trang thiết bị giảng dạy và đào tạo nghề để đào tạo trực tiếp NLĐ tại Việt Nam”.
Bảo vệ lao động di cư ngày càng tốt hơn
Theo ông Cheng Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam: “NLĐ dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người và lao động cưỡng bức trong quá trình di cư. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương này có thể giảm xuống nếu họ lựa chọn di cư theo các kênh được quản lí tốt, thông qua một số doanh nghiệp tuyển dụng có xếp hạng cao bởi một hệ thống xếp hạng uy tín”. Theo VAMAS, NLĐ Việt Nam tham gia di cư quốc tế với mục đích làm việc có thời hạn ở nước ngoài và hầu hết là di cư có tổ chức. Có tới 85-95% trong số đó thông qua hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy việc nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá cao hoạt động của VAMAS trong những năm qua và cho rằng việc VAMAS cho ra đời Bộ quy tắc CoC-VN có ý nghĩa rất quan trọng góp phần bảo vệ tốt hơn cho NLĐ. Mặt khác thể hiện trách nhiệm cao của DN đối với NLĐ. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, quá trình tham gia đưa lao động đi làm việc, DN Việt Nam đã tuân thủ tốt các nội quy quy định của nước sở tại. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn các DN XKLĐ cần tham gia đánh giá, giám sát theo Bộ quy tắc CoC-VN. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: “Để hỗ trợ NLĐ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các DN tham gia vào việc đào tạo, quản lí đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiệp hội VAMAS và các tổ chức liên quan nên có chương trình phối hợp cụ thể để hoạt động mang tính đồng bộ”.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng đánh giá cao sự phối hợp giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đã giúp đỡ Việt Nam thực hiện hiệu quả các chương trình hoạt động xây dựng Bộ quy tắc CoC-VN đồng thời chúc mừng các DN được xếp hạng cao và mong muốn các DN chưa đạt được kết quả cao tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt mục đích cuối cùng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ đi làm việc tại nước ngoài ngày một tốt hơn.
Tại hội nghị, Hiệp hội VAMAS cũng đã trao tặng chứng nhận xếp hạng doanh nghiệp cho 66 doanh nghiệp được giám sát và đánh giá việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử năm thứ 3, gồm 26 doanh nghiệp hạng 5 sao, 36 doanh nghiệp hạng 4 sao và 4 doanh nghiệp hạng 3 sao.
Bộ quy tắc ứng xử dùng cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (CoC–VN) được xây dựng dựa trên pháp luật Việt Nam và các nghiên cứu, luật pháp quốc tế về lao động di cư. CoC–VN được ban hành vào năm 2010 gồm 12 điều. Bảng xếp hạng gồm 4 nhóm: Xuất sắc (A1, A2), tốt (B1,B2), trung bình (C1,C2) và yếu (D1,D2). |