THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:59

Người lao động chưa mặn mà với chứng chỉ kỹ năng nghề

 

Theo thống kê của Ban quản lý các khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng, hiện có khoảng 72.000 lao động đang làm việc tại 270 doanh nghiệp, công ty thuộc 6 khu công nghiệp (KCN) gồm: Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm và KCN Đà Nẵng. 

Không ít lao động trong các khu công nghiệp này là công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông, đến từ các tỉnh thành lân cận, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành cần nhiều nhân công như may mặc, giày da, chế biến nhựa, bao bì hay thủy sản…

Thực tế cho thấy, sau nhiều năm làm nghề, nhiều lao động tại các KCN dù đã có cả chục năm kinh nghiệm về chuyên môn vẫn chưa hề có một chứng nhận hay chứng chỉ nghề nghiệp nào khẳng định tay nghề bản thân. Một điều tưởng chừng như không thực sự cần thiết, nhưng vô tình đã khiến nhiều lao động phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi công ty bất ngờ cắt giảm nhân công hoặc buộc phải thôi việc vì nhiều lý do khác nhau.  Không những vậy, việc không có bằng cấp hay chứng chỉ kỹ năng nghề còn khiến người lao bị thụ động, thiệt thòi khi muốn thay đổi chỗ làm với mong muốn có một chế độ đãi ngộ phù hợp hơn với chính khả năng lao động của mình. 

Dù miễn miễn phí, nhiều lao động cũng chưa mặn mà với việc thi chứng chỉ kỹ năng nghề

5 năm làm công nhân may tại KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng, chị Nguyễn Thu Trang, quê Quảng Nam cho biết: “Mức lương cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống chứ không dư giả là mấy. Trong khi một số công ty có nhu cầu tuyển dụng đưa ra những chế độ đãi ngộ rất hấp dẫn, nhưng thực sự mình không dám nghỉ việc để sang chỗ mới làm. Bởi hầu hết công nhân tụi mình khi sang chỗ làm mới, tất cả đều phải bắt đầu lại từ đầu”

Ngại thay đổi, sợ rủi ro và quan trọng là không có một bằng cấp hay chứng chỉ kỹ năng nghề nào trong tay, chính điều này đã khiến không ít công nhân có tay nghề vẫn chấp nhận tiếp tục làm việc ở đơn vị cũ dù chưa thực sự hài lòng với tiền lương hàng tháng được chủ sử dụng chi trả.

Thực tế là vậy, tuy nhiên, khi được hỏi về chứng chỉ kỹ năng nghề, hầu hết người lao động đều cho rằng, không thực sự cần thiết. “Mình cũng có nghe mọi người nói về kỳ thi cấp chứng chỉ kỹ năng nghề nhưng mình nghĩ hiện tại công việc của mình cũng khá ổn định rồi thì cũng không cần thiết phải có chứng chỉ hay chứng nhận tay nghề làm gì. Hơn nữa, đi thi cũng phải đầu tư thời gian nên cũng chưa có ý định” , chị Trần Thị Huyền, công nhân KCN Hòa khánh cho biết.

Nói về vấn đề này, ông Trần Phước Phú, Giám đốc Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề, thuộc Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng cho rằng: Người lao động chưa hiểu hết ý nghĩa của chứng chỉ về kỹ năng nghề, dẫn đến chưa mặn mà với việc này. Trong khi việc có chứng chỉ kỹ năng nghề, người lao động sẽ không bị thiệt thòi trong lao động sản xuất, được thỏa thuận với chủ sử dụng lao động mức lương thỏa đáng với tay nghề của mình.

Ông Phú cũng cho biết thêm “Ngay tại kỳ thi cấp chứng chỉ kỹ năng nghề vừa qua, chúng tôi phải tuyên truyền, vận động người lao động tham gia thi kỹ năng nghề may cấp quốc gia. Mọi chi phí được miễn toàn bộ bởi Tổng cục Dạy nghề hỗ trợ kinh phí tổ chức, vậy mà họ còn chưa muốn tham gia.”

Được biết, số lao động tham gia cả 2 kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề được tổ chức tại TP. Đà Nẵng chỉ có 60 người tham gia (trong đó 15 người đạt yêu cầu). Một con quá ít ỏi so với hàng chục nghìn lao động hiện đang làm việc tại các KCN ở Đà Nẵng.

Hiện tại, địa phương này cũng  mới chỉ có 2 trung tâm vừa được thành lập đủ điều kiện để kiểm tra, sát hạch và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề là ở  Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng và Trường cao đẳng nghề số 5 (thuộc Bộ Quốc phòng)

Theo một số người làm công tác đào tạo nghề, việc sát hạch và cấp chứng nhận nghề cho người lao động đã có nghề, nhưng chưa có bằng cấp là việc làm cần thiết nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, từ đó, góp phần chính quy hóa đội ngũ lao động, nâng cao chất lượng làm việc cho đội ngũ lao động trên địa bàn.


Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh