Lào Cai huy động các cấp, các ngành cùng tham gia vào công tác phòng, chống mua bán người
- Pháp luật
- 16:26 - 05/06/2021
Ảnh: Như Ngọc
Với mục tiêu triển khai đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên, liên tục các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là những vấn đề trọng tâm, đột phá, giải quyết triệt để những tồn tại, khâu yếu nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người; không để hình thành các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người hoạt động trên các tuyến, địa bàn; huy động các cấp, các ngành cùng tham gia vào công tác phòng, chống mua bán người… từ tháng 5/2021 đến hết tháng 6/2022, tỉnh Lào Cai tổ chức thí điểm công tác phòng, chống mua bán người tại thành phố Lào Cai và các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, Si Ma Cai.
Theo đó, tổ chức rà soát, nắm tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người toàn tỉnh; xác định rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, những vấn đề trọng tâm, đột phá trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ đạo điểm đối với từng đơn vị, huy động các cấp, các ngành tham gia thực hiện.
Tổ chức các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức cảnh giác của người dân trong công tác phòng, chống mua bán người; nghiên cứu ứng dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người.
Thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân; các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hoà nhập cộng đồng; thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người nước ngoài vào Việt Nam để lao động.
Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; thống nhất xác định các vụ án trọng điểm, vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm để đưa ra xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình hiện nay.
Tổ chức rà soát đánh giá hiệu quả hoạt động các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống mua bán người; chủ động thanh tra lại các mô hình hoạt động không hiệu quả; phổ biến, nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp thực tiễn. Rà soát hoạt động, điều kiện hoạt động của các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, đề xuất giải quyết những vấn đề bất cập về cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.
Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam đã ký kết, tham gia với các tổ chức, các nước theo chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các sở, ban, ngành. Phối hợp trao đổi thông tin, tình hình phòng, chống mua bán người với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Trung Quốc.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác liên ngành phòng, chống mua bán người, đặc biệt chú trọng đến các địa bàn chỉ đạo thực hiện điểm.
Công an tỉnh được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như Sở LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Viện kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân và các huyện, thành phố tổ chức thực hiện; đồng thời, trên cơ sở kết quả chỉ đạo điểm, các địa phương sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm và chỉ đạo nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.