Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão số 10
- Tây Y
- 03:09 - 15/09/2017
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền động viên ngư dân đưa bè mủng vào nơi tránh trú bão an toàn.
Tại TP Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền và đoàn công tác đã kiểm tra tuyến đê hữu sông Mã, đoạn từ phường Hàm Rồng đến xã Quảng Phú.
Đây là đoạn đê trong đợt mưa lũ đầu tháng 7/2017 và ảnh hưởng của cơn bão số 2, mái kè đê đoạn từ K39+474 đến K39+534 thuộc địa phận phường Hàm Rồng bị sạt, sập dài 33m, sâu 0,9m, và cũng là tuyến đê trọng yếu của thành phố. Đường hành lang trên đỉnh kè xuất hiện 2 vết nứt. Hiện tại, sự cố trên vẫn có chiều hướng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công trình.
Tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và chuẩn bị vật tư, nhân lực để sẵn sàng xử lý các tình huống xấu, đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý điểm sạt, sập.
Ngư dân TP. Sầm Sơn khẩn trương di chuyển bè, mủng vào nơi trú bão an toàn.
Hiện nay, tại TP Sầm Sơn có nhiều công trình đang xây dựng, trong đó có công trình kè biển, do đó đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị thi công phải có phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản. Đồng thời, TP Sầm Sơn chỉ đạo các phường, xã chuẩn bị lực lượng, phương tiện và trang thiết bị sẵn sàng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố; tính toán phương án xử lý ngập úng và vệ sinh môi trường sau bão.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 10, TP Sầm Sơn đã triển khai đầy đủ các phương án đến các lực lượng chức năng và UBND các phường, xã. Đến 17 giờ chiều 14/9, 100% tàu thuyền của thành phố Sầm Sơn đã vào bờ tránh trú bão.
“Hiện nay vẫn đang còn một bộ phận cán bộ và người dân có tâm lý chủ quan, nhiều phương tiện tàu thuyền đã vào bờ nhưng chưa được neo đậu an toàn. Sầm Sơn phải luôn chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để giảm thấp nhất thiệt hại về tài sản và không được để xảy ra thiệt hại về người; chỉ đạo, hỗ trợ bà con đưa bè mủng lên vị trí an toàn, bảo đảm trật tự và tổ chức lực lượng bảo vệ; tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, không để người ở lại các chòi canh lồng bè, nuôi trồng thủy sản; dừng hoạt động của các bến đò ngang; chuẩn bị phương án di dời các hộ dân khu vực ven biển. Đồng thời, chỉ đạo nhân dân huy động toàn bộ lực lượng lao động, phương tiện, máy móc khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín trên 80%. Các nhà nghỉ, khách sạn có phương án di dời du khách khi cần thiết”, ông Quyền nhấn mạnh.
Các đoàn công tác khác cũng đang khẩn trương chỉ đạo, kiểm tra các công tác phòng chống bão tại các địa phương trong tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là các huyện ven biển, các huyện miền núi phòng chống lũ quét.